(CMO) Vinh dự được mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Trường THCS Phạm Chí Hiền, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, luôn xác định việc giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những năm qua, từ các tiết dạy học lịch sử, các giờ ngoại khoá, đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho các em học sinh.
Thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Sở GD&ÐT đã chỉ đạo các trường học từ bậc THCS đến THPT đưa chương trình lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các giờ học môn Lịch sử và trong các giờ ngoại khoá. Ðây là cách làm nhằm góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử.
Giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh của Trường THCS Phạm Chí Hiền, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời. |
Thầy Huỳnh Phước Trung, Hiệu trưởng trường, chia sẻ, trong các tiết học, nhất là tiết Lịch sử, giáo viên lồng ghép kiến thức, nỗ lực sáng tạo phương pháp truyền tải, khơi dậy niềm yêu thích để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của địa phương. Bên cạnh việc giảng dạy, các lớp còn đảm nhận việc chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử cách mạng, cụ thể là Bia tưởng niệm Anh hùng Phạm Chí Hiền tại khuôn viên trường. Qua đó, góp phần giáo dục các em học sinh lòng yêu quê hương đất nước, tự hào với truyền thống cách mạng của địa phương.
Theo em Nguyễn Hoài Bảo, lớp 9A3, qua các bài học được truyền tải từ các thầy cô giáo, cộng với việc được giáo dục truyền thống thực tế tại nhà trường, em dễ dàng hơn trong tiếp thu kiến thức, từ đó giúp em và các bạn cảm thấy yêu thích và không còn cảm giác khô khan, khó tiếp thu với môn học Lịch sử. “Với những kiến thức tiếp thu qua các tiết giảng của thầy cô, những thông tin hữu ích từ những lần giáo dục truyền thống tại trường đã giúp em đạt thành tích giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện năm học 2022-2023. Em xem đây là niềm tự hào và sự tri ân sâu sắc khi được học tập dưới mái trường mang tên người anh hùng”, em Nguyễn Hoài Bảo chia sẻ.
Có thể thấy, việc giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh, cùng những đạo lý về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn là vô cùng quan trọng trong nội dung giáo dục của các nhà trường để hình thành nên phẩm chất tốt đẹp cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Hiện nay, nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã lồng ghép giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế.
Qua những bài học bổ ích trong chương trình giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, các em học sinh đã có cách nhìn và cảm nhận chân thực về lịch sử quê hương, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống của dân tộc, tri ân những anh hùng của quê hương, đất nước. Việc giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh có vai trò quan trọng nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh./.
Thanh Phương