Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên quan điểm phát triển tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện hữu của Cảng hàng không Cà Mau nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, gắn kết hợp lý với các phương thức vận tải khác; kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn khai thác.
- Kiến nghị nâng cấp sân bay Cà Mau
- Bamboo Airways thực hiện thành công chuyến bay kỹ thuật đến Cà Mau
- Cảng Hàng không Cà Mau thí điểm sử dụng tài khoản định danh điện tử của hành khách
- Bàn cơ chế hỗ trợ các hãng hàng không có khai thác đường bay tại tỉnh Cà Mau
Mục tiêu của nhiệm vụ lập quy hoạch là nghiên cứu phương án quy hoạch phát triển Cảng hàng không Cà Mau theo từng giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đề xuất giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch.
Nhiệm vụ lập quy hoạch dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan. Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia về hàng không dân dụng, tiêu chuẩn sân bay quân sự và các tiêu chuẩn, khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); phù hợp với xu hướng phát triển về công nghệ, vật liệu, quản lý, khai thác, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn khai thác; bảo đảm hài hoà lợi ích quốc gia, vùng, địa phương; lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, phù hợp với nguồn lực thực hiện.
Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch, như: Khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập quy hoạch; dự báo nhu cầu vận tải thông qua Cảng; đánh giá khả năng và các phương án quy hoạch Cảng, bao gồm khu bay và khu hàng không dân dụng cũng như các nội dung liên quan khác; xác định tính chất, vai trò, quy mô của Cảng, cùng các chỉ tiêu cơ bản về đất đai cho thời kỳ quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật;… Thời hạn lập quy hoạch là năm 2024.
Do đường băng nhỏ, ngắn nên hiện Cảng hàng không Cà Mau chỉ khai thác được 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau - TP Hồ Chí Minh và ngược lại, với tần suất 4 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72.
Trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, năm 1999, đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đậu tại Cảng hàng không Cà Mau tiếp tục được nâng cấp và kéo dài với quy mô đường hạ cất cánh đạt chiều dài 1.500 m, rộng 30 m, bề mặt phủ bêtông nhựa đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR72, các máy bay tương đương và được khai thác đến nay. Hiện Cảng được VASCO khai thác 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau - TP Hồ Chí Minh và ngược lại, với tần suất 4 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72.
Theo quy hoạch tổng thể trước đây về phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm; đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm. Đồng thời, phát triển tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện hữu của Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, gắn kết hợp lý với các phương thức vận tải khác; kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn khai thác...
Việc thực hiện quy hoạch bổ sung lần này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lần về làm việc tại Cà Mau vào cuối năm 2023. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành việc nâng cấp, xây dựng đường băng Cảng hàng không Cà Mau trong 18 tháng. Trước mắt mở rộng, kéo dài đường băng hiện hữu, sau đó xây dựng thêm đường băng mới song song với đường băng cũ nhằm đáp ứng khả năng tiếp nhận được máy bay lớn như Airbus A321, Boeing 737.
Được biết, hiện nay tỉnh đang kiểm kê, chuẩn bị các bước để khi có dự án được phê duyệt sẽ tiến hành công bố thu hồi đất, thực hiện công giải phóng mặt bằng để Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai dự án./.
Trần Nguyên