Anh Thái Minh Ðố, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau mất đi, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con 4 tuổi còn thơ dại; anh Trần Kim Sơn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước phải chịu thương tật nặng, đó là 2 trong số nhiều trường hợp tai nạn do sự chủ quan, lơ là trong sử dụng điện.
Anh Thái Minh Ðố, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau mất đi, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con 4 tuổi còn thơ dại; anh Trần Kim Sơn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước phải chịu thương tật nặng, đó là 2 trong số nhiều trường hợp tai nạn do sự chủ quan, lơ là trong sử dụng điện.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Huỳnh Văn Minh bộc bạch: “Dù thời gian qua các ngành, các cấp nỗ lực phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng điện không đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh nhưng nhìn chung ý thức người dân chưa cao, tai nạn điện vẫn khó lường. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ người dân thiếu kiến thức và chủ quan trong sử dụng điện”.
Các hộ nuôi tôm công nghiệp hiện nay còn rất chủ quan trong sử dụng điện, nhiều đường dây điện kéo ra ao nuôi cẩu thả, tiềm ẩn nguy hiểm. |
Xã Hoà Tân, TP Cà Mau hiện có 290 hộ với diện tích nuôi tôm công nghiệp gần 200 ha. Tuy nhiên, việc nắm vững các kỹ thuật trong sử dụng điện phục vụ sản xuất của người dân còn khá mập mờ. Ông Lâm Thành Lam, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, điềm nhiên: “Gia đình nuôi tôm công nghiệp hơn 3 năm rồi mà có tai nạn gì đâu. Có trạm điện gần đây, nếu xảy ra sự cố gì có công ty lo”.
Cũng với sự chủ quan ấy mà chính khu vực này 2 năm trước đã xảy ra cái chết thương tâm do người chồng đang sửa điện, người vợ trong nhà không hay đã mở cầu dao để nấu cơm nên gây tai nạn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Tân Phùng Hoàng Tuấn bộc bạch: “Thời gian qua, mặc dù ý thức sử dụng điện an toàn của người dân trên địa bàn được nâng lên đáng kể, công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn về điện cũng được các ngành quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hộ lơ là, chủ quan; nhất là những hộ nuôi tôm công nghiệp rất ít quan tâm, bất cẩn và thiếu kiến thức trong sử dụng điện sản xuất. Người dân thường bố trí điện không hợp lý, tự kéo nhiều đường dây điện bằng cây gỗ tạm xung quanh ao nuôi, rất nguy hiểm”.
Ngoài ra, vấn nạn điện chia hơi cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Hiện nay, mặc dù toàn tỉnh tỷ lệ người dân sử dụng điện chiếm 98,04% với trên 291.000 hộ, nhưng trong đó điện chia hơi có tới 8.361 hộ. Việc sử dụng những trụ đỡ bằng cây gỗ tạp kéo qua các cánh đồng, con sông đã gây không ít tai nạn thương tâm cho bao người.
Ông Huỳnh Văn Minh cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho người dân trong sử dụng điện, năm 2016, sở phối hợp với Công ty Ðiện lực tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, hướng dẫn cụ thể cách sử dụng điện an toàn cho Nhân dân tại 27 xã trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như kiến thức cơ bản về cách thức sử dụng điện an toàn, điều kiện khoảng cách an toàn làm việc trong và gần hành lang lưới điện cao áp đến 220KV, kỹ thuật đấu nối dây điện trong gia đình, phòng tránh rủi ro tai nạn do điện cũng như hướng dẫn cách xử lý, sơ cứu khi người bị điện giật./.
Theo thống kê của Sở Công thương, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 105 vụ tai nạn điện, làm chết 95 người và bị thương 10 người. Riêng 10 tháng năm 2016 có 24 vụ tai nạn điện, làm chết 21 người. Dù số vụ và người chết có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, sử dụng điện sinh hoạt gia đình thiếu an toàn, xiệc chuột, đặc biệt là tai nạn điện trong nuôi tôm công nghiệp. |
Bài và ảnh: Hồng Nhung