ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 23:20:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Không chủ quan, lơ là phòng chống cháy nổ

Báo Cà Mau Mặc dù thời gian qua công tác phòng chống cháy nổ đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra, nguyên nhân không nằm ngoài sự chủ quan của người dân.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thị trấn Sông Ðốc là địa bàn tuyến biển, nằm cách trung tâm huyện Trần Văn Thời khoảng 18 km, tổng số 8.167 hộ dân, với 45.716 khẩu; địa giới hành chính chia làm 13 khóm.

Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: "Tình hình cháy nổ trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro cao, do một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống cháy nổ. Và do đa phần nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ở địa phương chủ yếu là loại nhà ống, diện tích không lớn, phân bố ở các khu vực dân cư, xung quanh các chợ, tuyến đường phố; kinh doanh mặt hàng là các loại vật liệu dễ cháy như: quần áo, giày dép, vải, chăn màn, tạp hoá...".

Vừa qua, nhiều địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức tập huấn về kiến thức PCCC và CNCH tại khu dân cư. (Ảnh chụp buổi tập huấn kỹ năng PCCC tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, ngày 23/9).

Ðơn cử vào ngày 15/4 vừa qua, xảy ra cháy tại hộ bà Nguyễn Thị Ðẹp, Khóm 6A, thị trấn Sông Ðốc. Nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của chủ nhà. Theo Công an thị trấn Sông Ðốc, sau khi nhận được tin báo, đơn vị huy động 2 máy bơm cùng 10 cán bộ, chiến sĩ và khoảng 20 người dân tham gia chữa cháy.

Mặc dù đã được dập tắt, nhưng vụ cháy thiêu rụi toàn bộ căn nhà của bà Ðẹp cùng nhiều vật dụng khác. Nguyên nhân do bà Ðẹp sử dụng đèn cầy để thắp sáng lúc nhà cúp điện, bất cẩn gây cháy, lan ra toàn bộ căn nhà.

Một ví dụ khác cho thấy sự chủ quan của một bộ phận người dân, như vụ cháy xảy ra vào ngày 31/8 tại nhà ông Phan Mai Ngọc Tuấn, ấp Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân. Nguyên nhân do ông Tuấn cắm nồi cơm điện trước khi ra khỏi nhà, trong quá trình nấu, dây điện bị chập, dẫn đến cháy, nổ.

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, tình hình cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là ở những khu dân cư, nơi nhiều hộ dân sinh sống, nhà liền kề. Kiểu nhà ống, người dân chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư thiết kế lối thoát hiểm, nên mức độ nguy hiểm xảy ra khi có cháy là khá cao.

Một trong các nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ trong thời gian qua là vấn đề sử dụng điện. Ðể đáp ứng nhu cầu, nhiều người tự ý đấu nối mà không theo quy chuẩn và quy định của ngành điện. Hệ thống điện quá tải, thêm vào đó, lâu ngày không được kiểm tra, bảo dưỡng nên rất dễ xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong việc sử dụng các thiết bị điện của một số hộ gia đình còn chưa tốt.

Theo đánh giá của ngành chức năng, sự chủ quan là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra cháy nổ. (Ảnh chụp tại Phường 2, TP Cà Mau, cuối năm 2022).

Tổng rà soát, kiểm tra về PCCC

Ðể tăng cường PCCC, tỉnh triển khai nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC trong cộng đồng dân cư. Hình thành các tổ liên gia PCCC, nhân rộng những mô hình hay nhằm phát huy tính hiệu quả trong thực hiện phương án "4 tại chỗ" khi có cháy; diễn tập các phương án PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) nhằm giảm thiệt hại khi có sự cố cháy; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện các quy định liên quan đến PCCC ở các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao...

Vừa qua, từ vụ cháy tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo về tăng cường công tác PCCC và CNCH.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Công an tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh.

Ðại uý Nguyễn Thị Diệp Oanh (Công an thị trấn Sông Ðốc) tuyên truyền kỹ năng PCCC cho công nhân tại Xí nghiệp Chế biến Thuỷ sản Sông Ðốc.

Trung tá Nguyễn Hoài Hận, Ðội trưởng Ðội Công tác PCCC, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh, cho biết: "Nội dung kiểm tra về PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ sở; điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở theo quy định. Trong đó, tập trung kiểm tra việc duy trì các yêu cầu đảm bảo điều kiện về ngăn cháy lan, lối thoát nạn, lối thoát khẩn cấp; trang bị và duy trì hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC và CNCH; quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hoá chất dễ cháy, nổ; hàng hoá kinh doanh trong nhà đảm bảo ngăn cháy lan...".

Ðồng thời, rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH, trong đó làm rõ các tồn tại, vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình, hoạt động của cơ sở. Song song đó, việc kiểm tra phải kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH cho người dân; hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cho 100% cơ sở.

Ðẩy mạnh công tác phối hợp với PC07, Công an huyện, thành phố tổ chức tổng rà soát, kiểm tra 100% cơ sở (nêu trên) thuộc phân cấp quản lý về PCCC, kiến nghị khắc phục, xử phạt vi phạm hành chính và tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đúng quy định của pháp luật; trong đó lưu ý đối với cơ sở, hộ kinh doanh thuộc diện phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

Phối hợp PC06 kiểm tra, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, bị đình chỉ hoạt động; chỉ cấp lại khi đủ điều kiện an toàn PCCC và CNCH. Yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh sau khi khắc phục, đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH thì mới được hoạt động trở lại.

“Ðặc biệt, tổ chức lực lượng ứng trực, bố trí phương tiện sẵn sàng chữa cháy và CNCH 24/24 giờ; kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra. Công an huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra việc tổ chức hoạt động, công tác thường trực của lực lượng dân phòng tại các xã, phường, thị trấn, đảm bảo kịp thời có mặt, dập tắt đám cháy tại chỗ ngay khi mới phát sinh”, Trung tá Nguyễn Hoài Hận nhấn mạnh./.

 

Văn Ðum - Kim Cương

 

Trao quyết định thăng quân hàm, nâng lương quân nhân chuyên nghiệp

Chiều 18/11, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Cà Mau tổ chức trao quyết định thăng quân hàm, nâng lương quân nhân chuyên nghiệp đợt 2 năm 2024. Đại tá Nguyễn Thanh Phong, Tỉnh uỷ viên Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Quân sự, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh dự và trao quyết định.

Tăng cường tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh, UBND TP Cà Mau chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với các xã, phường trên địa bàn tổ chức thả cá giống tái tạo NLTS năm 2024.

Thi đua cao điểm phòng, chống tội phạm trước thềm năm mới

Chiều 15/11, tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức đợt thi đua cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Vun đắp tình yêu Tổ quốc qua “Tiết học biên cương”

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, chính vì vậy việc giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho thế hệ trẻ đang là vấn đề cấp thiết và lâu dài. Một trong những mô hình giáo dục hiệu quả được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai nhiều năm qua là mô hình“Tiết học biên cương” cho các cấp học trên địa bàn.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc

Kỷ niệm 70 tập kết ra Bắc tại tỉnh Cà Mau, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa được diễn ra nhiều nơi trong tỉnh, trong đó có Lễ kỷ niệm 70 năm được tổ chức tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Để đảm bảo các hoạt động diễn ra an toàn, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Cà Mau đã triển khai kế hoạch bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động của sự kiện.

Kiên quyết ngăn chặn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài

Thời gian qua, xã Khánh Hội, huyện U Minh, thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiên quyết ngăn chặn tình trạng tàu cá ngư dân trên địa bàn khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài (VBNN). Trong đó, đẩy mạnh số hoá từng phương tiện thuộc nhóm nguy cơ cao; thực hiện hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kể cả tàu cá “3 không”, tàu hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép. Ðồng thời, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm hình sự, vi phạm hành chính liên quan đến IUU, góp phần gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC.

Quân khu 9 Kiểm tra công tác quân sự, quốc phòng tại Cà Mau

Từ ngày 12-13/11, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9 cùng đoàn công tác kiểm tra công tác quân sự, quốc phòng địa phương tại tỉnh Cà Mau. Tham dự cùng đoàn còn có Đại tá Nguyễn Khánh Dương, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.

Ðảm bảo trật tự đô thị dịp cuối năm

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều sự kiện về văn hoá, quốc phòng, an ninh... Trong đó, TP Cà Mau là nơi diễn ra thường xuyên, vì thế công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường luôn được đẩy mạnh. Các địa phương thường xuyên ra quân, tập trung xử lý các công trình vi phạm về hành lang lộ giới như: hàng rào, tam cấp, mái che... tăng cường xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán.

Nguồn lợi thuỷ sản được khôi phục

Thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về nghiêm cấm sử dụng hoá chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ và ngành nghề khai thác có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ, hải sản; các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Ðầm Dơi tập trung nhiều biện pháp, đạt kết quả tích cực.

Chống khai thác IUU từ sự đồng thuận của ngư dân

Thị trấn biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, đang tập trung quyết liệt cho các đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ông Nguyễn Văn Giang, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, khẳng định: “Công tác chống khai thác IUU phải được làm từ sớm, từ bờ và cần sự đồng thuận của ngư dân. Kiên quyết phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, tổ chức ký cam kết không vi phạm khai thác IUU”.