(CMO) Thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid -19 đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong hơn 1 tháng nay khi số ca bệnh ghi nhận tăng cao. Ðể nắm rõ hơn về tình hình dịch bệnh cũng như chiến lược ứng phó dịch, phóng viên báo Cà Mau có buổi trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế.
Ðội ngũ y, bác sĩ tận tâm trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo sức khoẻ người dân. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau). |
- Thưa ông, tình hình dịch Covid-19 hiện nay có nguy cơ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Hiện nay, dịch Covid-19 đang xuất hiện biến chủng mới phát triển lây lan. Chính biến chủng này gây ra số ca mắc gia tăng, nhất là từ đầu năm đến nay. Và theo xu thế dịch tễ, biến thể này đang phát triển mạnh lên. Chúng tôi cũng theo dõi giải trình tự gen, ghi nhận một số tỉnh vùng Ðông Nam Bộ đã có biến thể này. Riêng tỉnh Cà Mau, mặc dù đã có gửi mẫu đi giải trình tự gen nhưng chưa ghi nhận biến thể mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo là với biến thể này sẽ gây ra một làn sóng mới về số ca mắc. Ðặc biệt, sẽ gây nguy hiểm cho những cộng đồng, quần thể dân số có hệ miễn dịch suy giảm. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chuyên môn, mặc dù số ca mắc tăng nhưng đến nay chưa ghi nhận các báo cáo về mức độ nghiêm trọng cao hơn so với biến thể cũ, cũng như số tử vong chưa ghi nhận bất thường.
Hiện nay, WHO đã chấm dứt ban bố tình trạng khẩn cấp. Chúng ta nên hiểu rằng, việc dừng lại tình trạng khẩn cấp này không có nghĩa là đại dịch đã hết, mà chỉ do tính trầm trọng của dịch tễ tác động đến xã hội không còn như trước. Mối nguy cơ hiện vẫn còn, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi, bệnh nền, có bệnh lý suy giảm miễn dịch. Khi họ mắc bệnh vẫn sẽ nặng hơn, trầm trọng hơn, thậm chí tử vong.
- Cụ thể tình hình dịch Covid-19 ở Cà Mau đã và đang diễn biến như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Tại tỉnh Cà Mau, qua theo dõi từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong 1 tháng gần đây (từ tuần 16 đến tuần 19), số ca mắc liên tục gia tăng. Cụ thể, tuần 16 có 3 ca, tuần 17 có 15 ca, tuần 18 có 23 ca và tuần 19 ghi nhận trên 77 ca. Thậm chí có những ngày mắc trên 20 ca. Nhất là tuần sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã tăng lên rất nhiều. Ðiều này cũng phù hợp với diễn biến dịch tễ và nhận định của các nhà chuyên môn về làn sóng mới này.
Như vậy, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay của tỉnh khoảng 128 ca. Song, số ca nặng không tăng, hiện tại chúng ta chỉ ghi nhận 1 trường hợp tầng 3, còn lại tầng 1 và 2. Trong đó, tầng 1 chiếm đến 80%. Tăng về số ca nhưng mức độ trầm trọng không như đợt dịch vừa qua, chúng tôi tự tin sẽ kiểm soát được.
Tuy nhiên, trong số ca mắc mới, số người dân tự báo rất ít, số lượng này chỉ là số liệu ghi nhận từ các cơ sở y tế phát hiện qua khám bệnh. Ðây chỉ là “bề nổi của tảng băng”, số mắc ngoài cộng đồng chắc chắn nhiều hơn rất nhiều lần. Ða số người dân tự phát hiện nhiễm rồi tự điều trị.
Riêng tuần trước, có 1 trường hợp tử vong nghi ngờ do Covid-19. Ðây là ca điều trị tại Bệnh viện huyện Cái Nước. Bệnh nhân có tiền sử bệnh nền mãn tính, cao huyết áp, trên 70 tuổi. Trường hợp này có liên quan đến Covid-19 nhưng không phải tử vong do Covid-19. Bởi bệnh nhân đã khỏi bệnh, âm tính với Covid-19, song bệnh vẫn tiến triển nặng hơn và dẫn đến tử vong.
Do vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân tử vong cũng rất quan trọng, nhất là với những người có nhiều bệnh lý, để chính quyền địa phương, người dân hiểu rõ và xử sự phù hợp với tình huống, tránh gây hoang mang dư luận.
Chiến lược bây giờ là toàn ngành y tế cũng như các cấp chính quyền có kế hoạch bảo vệ người nguy cơ, trong đó, tiêm chủng vắc-xin là giải pháp tốt nhất.
- Với xu hướng của làn sóng dịch bệnh lần này, chính quyền tỉnh cũng như ngành y tế đã có sự chủ động như thế nào trong các biện pháp ứng phó, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Ngành y tế đã thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, khuyến cáo tuyên truyền người dân về các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát phát hiện, theo dõi số ca mắc mới để có nhận định về tình hình dịch tễ cũng như có cách xử lý kịp thời.
Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở trong hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như đáp ứng về điều trị như giường bệnh, cách ly, thuốc, các vật tư đáp ứng điều trị trong trường hợp số ca mắc tăng cao. Triển khai việc rà soát lại tất cả những đối tượng cần tiêm chủng vắc xin và làm dự trù gửi Bộ Y tế phân bổ. Ðợt rồi tỉnh nhận về 8 ngàn liều vắc xin và đã tiêm chủng hết.
Sắp tới, trong làn sóng mới lần này, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng, dù mức độ nguy cơ trầm trọng của vấn đề không tăng hơn so với biến thể cũ. Nhưng chúng ta không được chủ quan, cũng không quá hoang mang khi nhiều ca mắc. Bệnh chỉ nhẹ với những người có sức đề kháng tốt, còn những người bệnh nền, suy giảm miễn dịch có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Do đó, chiến lược bây giờ là chỉ đạo trong toàn ngành y tế cũng như các cấp chính quyền có kế hoạch bảo vệ người nguy cơ. Theo đó, rà soát, nắm lại những đối tượng có nguy cơ: bệnh nền, cao tuổi, suy giảm miễn dịch,... để tập trung khuyến cáo về khả năng dịch tễ để họ tự bảo vệ sức khoẻ; tuyên truyền 2K: khử khuẩn, khẩu trang và tiêm vắc xin; tuyên truyền cho người dân phải bảo vệ những người thân của mình trong gia đình. Ðồng thời, khuyến cáo chung người dân các biện pháp phòng bệnh Covid-19. Người dân khi có những triệu chứng nghi ngờ nên test để kiểm tra và người nhiễm phải thực hiện tốt biện pháp tự cách ly không để lây lan cho những người xung quanh.
- Xin cảm ơn ông!
Hồng Nhung thực hiện