Chiều 19/8, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND TP Cà Mau tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh “Di tích Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự” tại xã Hoà Thành, TP Cà Mau.
(CMO-MP) Chiều 19/8, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND TP Cà Mau tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh “Di tích Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự” tại xã Hoà Thành, TP Cà Mau.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng trao bằng xếp hạng cho UBND TP Cà Mau. |
Theo sử liệu ghi lại, noi gương những anh hùng của nghĩa quân đấu tranh chống Pháp như Trương Định, Nguyễn Trung Trực…, anh em nhà họ Đỗ tiếp tục nối bước theo cùng các nghĩa quân yêu nước và Nhân dân ở ven rừng U Minh, vàm Cái Tàu nổi dậy chống Pháp. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, gia đình ông ly tán tới miệt Lai Vung, Đồng Tháp, rồi xuôi về miệt Hà Tiên (nay là Cà Mau).
Đến năm 1872, thực dân Pháp tìm đến vùng đất này và tiếp tục đàn áp người dân. Để thực hiện âm mưu xâm lược, chúng bắn phá làng xóm, giết người, cướp của. Do dân cư thưa, không có vũ khí, chủ yếu chỉ là giáo mác, gậy, tầm vông nên người dân không chống trả được.
Chịu không nổi cảnh áp bức đó, hai anh em họ Đỗ vận động bà con trong vùng và các nghĩa quân yêu nước nổi dậy chống Pháp ở ven rừng U Minh, từ sông Cái Tàu đến vùng An Biên (nay thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).
Tuy nhiên, trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, hai ông đã bị bắt và đưa ra xử tử tại huyện Châu Thành (tỉnh Hà Tiên). Sau đó, con cháu đã di táng phần mộ hai ông về xã An Trạch, huyện Giá Rai (nay là ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau).
Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh sẽ là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đây không chỉ là niềm vinh dự của Nhân dân xã Hoà Thành nói riêng mà còn là niềm tự hào chung của Nhân dân Cà Mau./.