(CMO) Nếu ai đã từng xem qua bộ phim “Ðất Phương Nam”, hẳn sẽ không thể nào quên trận quyết tử với thực dân Pháp của nhà anh em Mười Chức (Nguyễn Văn Chức) để giành lại ruộng đất. Sự kiện Ðồng Nọc Nạng chấn động cả xứ Nam Kỳ đã thắp lên ngọn lửa chống lại áp bức bất công của tầng lớp nông dân thời bấy giờ.
Cụm tượng mô tả trận quyết chiến đẫm máu giữa anh em Mười Chức và bọn thực dân Pháp. |
Sự kiện Nọc Nạng khởi nguồn là vụ tranh chấp hàng chục héc-ta đất ruộng giữa một bên là gia đình ông Biện Toại (tên thật Nguyễn Văn Tại, cha của ông Mười Chức) và một bên là bọn địa chủ cường hào, thực dân áp bức. Ðỉnh điểm của sự việc là vào ngày 16/2/1928, 2 tên cò Pháp là Tournier và Bouzou cùng nhiều tên tay sai ngang nhiên vào tịch thu lúa vừa thu hoạch của gia đình ông Mười Chức. Tức nước vỡ bờ, anh em ông Mười Chức quyết kháng cự đến cùng. Trận quyết đấu đã làm tên cò Tournier bị đâm chết, nhiều tên khác bị thương. Gia đình ông Mười Chức có 4 người thiệt mạng, gồm ông Mười Chức, ông Năm Nhẫn, ông Sáu Nhịn và vợ ông Mười Chức đang mang thai trong bụng.
Khu vực mộ phần gia đình ông Biện Toại được an táng trong Khu Di tích lịch sử Quốc gia Nọc Nạng (thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). |
Một góc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Nọc Nạng. |
Vụ án xảy ra gây chấn động cả xứ Nam Kỳ thời bấy giờ. Không chịu khuất phục, gia đình ông Biện Toại gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Ðặc biệt, dư luận thời đó hết sức quan tâm đến vụ án này, nhiều tờ báo tiến bộ lên tiếng bên vực, thực hiện nhiều phóng sự điều tra khiến chính quyền Pháp phải lật lại vụ án, mở ra phiên toà đòi lại công bằng cho gia đình ông Biện Toại.
Phòng trưng bày (Tổ đường), nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về sự kiện Nọc Nạng năm xưa. |
Nhiều dụng cụ làm nông trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX được trưng bày tại đây. |
Góc trưng bày những dụng cụ lao động của gia đình nông dân Mười Chức. |
Gần 1 thế kỷ trôi qua, nơi diễn ra cuộc chiến không cân sức ấy nay là một khu di tích trang nghiêm, một địa chỉ đỏ không thể bỏ qua khi đến với thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu). Sự kiện Nọc Nạng là một cú đánh mạnh mẽ vào bọn thực dân, cường hào cậy thế ức hiếp nông dân yếu thế, góp phần hun đúc tinh thần chống Pháp kiên cường, bất khuất của tầng lớp nông dân trong thế kỷ XX./.
Hữu Nghĩa thực hiện