Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2-7 tuổi (hoặc lứa tuổi lớn hơn nếu không được tiêm phòng; cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2-7 tuổi (hoặc lứa tuổi lớn hơn nếu không được tiêm phòng); cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi.
Ðặc biệt, bệnh lây truyền nhanh trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi; có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Bệnh bạch hầu có 4 thể lâm sàng: bạch hầu họng thể thông thường (70%), bạch hầu ác tính, bạch hầu thanh quản (26%) và bạch hầu mũi (4%).
Bạch hầu thể họng thông thường: Thời kỳ ủ bệnh từ 2-5 ngày (không có triệu chứng lâm sàng). Sau đó là thời kỳ khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ (38-38,5oC), sổ mũi 1 hoặc 2 lần, niêm mạc họng đỏ, kém sáng hơn. Xuất hiện những chấm trắng mờ và mỏng, hạch dưới hàm sưng to và đau. Từ 2-3 ngày sau là thời kỳ toàn phát, trẻ cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng, đau cổ họng, người mệt mỏi xanh xao. Trong họng xuất hiện màng trắng ngà, dính chặt vào lớp thượng bì bên dưới, khi bong tróc rất dễ chảy máu. Màng giả này lan tràn rất nhanh ở 1 hoặc 2 bên amidan. Bệnh nhân sốt khoảng từ 38-38,5oC và ở tình trạng nhiễm độc, da xanh tái, mạch nhanh, huyết áp hạ.
Bạch hầu ác tính gồm 2 thể: Thể tiên phát xuất hiện ngày đầu hoặc ngày thứ 2 của bệnh, với những dấu hiệu đột ngột như sốt cao 39-40oC, mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amidan, hơi thở hôi, hạch cổ sưng to, cổ bạnh ra. Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, sốt cao, xuất huyết nhiều nơi, khi uống nước sẽ bị xộc ra mũi, huyết áp hạ, mạch nhanh. Bệnh nhân có thể bị tử vong. Thể thứ phát thường xuất hiện sau bạch hầu họng thông thường do điều trị muộn.
Bạch hầu thanh quản: Phần lớn do bạch hầu họng thể thông thường không được điều trị kịp thời gây ra. Ở thể này, màng giả lan xuống tận thanh quản.
Bạch hầu mũi: Rất hiếm gặp. Ngoài các triệu chứng sốt nhẹ, da xanh, ăn hay bị nôn, bệnh nhân còn bị lở trong lỗ mũi và cánh mũi.
Viêm cơ tim là biến chứng thường gặp nhất, do ngoại độc tố bạch hầu gây ra. Viêm cơ tim có thể xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 của bệnh, nhưng cũng có thể muộn hơn, từ 15-40 ngày. Ngoài ra, có thể có những biến chứng về tim mạch khác.
Biến chứng thần kinh thường xảy ra sau vài tuần. Xuất hiện triệu chứng lác mắt, liệt cơ hoành, liệt một hoặc nhiều chi, đa viêm thần kinh ngoại biên. Bệnh cũng kèm theo các biến chứng về thận và hô hấp.
Các bệnh nhân bạch hầu cần được phát hiện sớm và đưa ngay tới cơ sở điều trị để được chăm sóc và tránh lây lan. Phương pháp điều trị được áp dụng là dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, giải độc tố bạch hầu… Những trường hợp khó thở, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để mở khí quản. Ðể phòng bệnh, trẻ phải được tiêm phòng DPT đúng theo lịch của chương trình tiêm chủng quốc gia. Ðối với trẻ ngoài 7 tuổi, phụ huynh có thể đưa đi tiêm phòng bạch hầu tại các cơ sở y tế dự phòng. Lưu ý, chỉ tiêm phòng cho trẻ khi trẻ ở trong trạng thái sức khoẻ bình thường.
Ðể chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Ðảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc- xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế./.
- Lịch tiêm chủng vắc-xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi. Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng. Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi. |
Thị Tú (Trung tâm TT-GDSK)