Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở bất kỳ quốc gia nào, việc kiểm soát quyền lực quyết định tính hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng trong tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và của bộ máy hành chính Nhà nước nói riêng của các nước trên thế giới. Vấn đề kiểm soát quyền lực được Ðảng ta rất chú trọng trong lãnh đạo toàn diện đất nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà đất nước ta đang tâm thế đón nhận kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cầu Huỳnh Thúc Kháng, Phường 7, TP Cà Mau là tuyến nối quan trọng giữa TP Cà Mau với huyện Ðầm Dơi. Ảnh: NHẬT MINH
Kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là hoạt động bao gồm nhiều phương thức mang tính chất pháp lý được chủ thể có thẩm quyền sử dụng với mục đích nhằm định hướng hoạt động của chính quyền địa phương đúng với Hiến pháp, pháp luật, tránh sự tuỳ tiện xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Trong bất kỳ hoạt động công vụ nào của hệ thống hành chính nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng cũng cần và rất cần có sự kiểm tra, giám sát, đặc biệt hơn đối với hoạt động của chính quyền địa phương cần phải có sự kiểm soát một cách chặt chẽ bởi các lý do:
Thứ nhất, hoạt động của chính quyền địa phương được hiến định và luật hoá là cơ quan quyền lực ở địa phương và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương (HÐND), chấp hành và điều hành (UBND) trong tổ chức và thực hiện các quy định của cấp trên và HÐND cùng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát quyền lực thường các chủ thể có thẩm quyền tập trung vào hệ thống cơ quan hành chính ở địa phương nhiều hơn. Lý do là hệ thống các cơ quan này được trao quyền hành pháp, mà nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực thi pháp luật, thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Thứ hai, chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, phạm vi rất rộng, đối tượng quản lý đa dạng và phong phú, hoạt động của chính quyền địa phương liên quan đến rất nhiều chủ thể có thẩm quyền hoạch định và ban hành chính sách, đều có nguy cơ dẫn đến lạm quyền rất cao. Mặt khác, trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương có rất nhiều cơ quan, tổ chức được giao quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau bởi tính đa dạng và phong phú của nó nên khó khắc chế sự sai sót khi thực hiện thẩm quyền hành chính; cộng thêm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì sẽ có nhiều nhân sự, nhiều vị trí việc làm, nhiều biên chế và đây cũng là một nguy cơ dẫn đến sai phạm trong thực thi công vụ. Truy tìm nguồn gốc của điều này ta lại thấy, khi quyền lực được trao cho quá nhiều chủ thể thực thi thì việc kiểm tra, giám sát càng phải được thực hiện một cách thường xuyên hơn, nghiêm túc hơn để hạn chế tối đa sự sai phạm.
Thứ ba, chính quyền địa phương trong tổ chức và hoạt động của mình cũng được giao nguồn ngân sách rất lớn để phục vụ việc ổn định, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Ðây cũng là một nội dung cần kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ trong phương thức quản lý và sử dụng nguồn vốn, cấp phát, phân bổ, phê duyệt và quyết toán. Trong thực tiễn thanh tra, kiểm tra đã qua cho thấy nội dung này là một trong những nội dung có nguy cơ sai phạm rất phổ biến, từ đó cần phải có cơ chế kiểm soát trong thực thi thẩm quyền ngân sách của chính quyền địa phương các cấp.
Thứ tư, một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống hành chính, đó là tính thứ bậc (trên - dưới) trong tổ chức và hoạt động. Vì lẽ đó, cơ quan hành chính cấp trên phải kiểm tra hoạt động của cơ quan hành chính cấp dưới; thủ trưởng cơ quan đơn vị phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về hoạt động công vụ của cấp dưới nơi mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý; cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm kiểm tra hoạt động của các đơn vị, cá nhân có liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đảm bảo chính xác theo tiêu chí, tiêu chuẩn được đặt ra.
Thứ năm, sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương chính là để bảo vệ sự minh bạch và công bằng trong quản lý Nhà nước. Sự minh bạch và công bằng trong quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương là rất cần thiết, minh bạch là cơ chế để chứng minh tính khách quan trong quản lý và điều hành, công chức và người dân đều có thông tin trong quy trình quản lý, là cơ sở để thực hiện công tác kiểm tra giám sát; công bằng làm mục tiêu của quá trình quản lý, mỗi người phải được đối xử như nhau theo luật định.
Thứ sáu, việc kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và thống nhất trong thực thi các chính sách quốc gia. Chính quyền địa phương được phân công, phân cấp cho nhiều quyền hạn trong quản lý địa phương cả về nguồn lực và thẩm quyền, những quyết định đưa ra rất linh hoạt và có tính sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra, giám sát và theo dõi quá trình ra quyết định thì dễ dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc phát triển chiến lược quốc gia; đôi khi có thể tạo ra mâu thuẫn hoặc phân tán nguồn lực quốc gia. Vậy nên, kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương là cần thiết để bảo đảm sự thống nhất trong việc thực hiện các chính sách chung của quốc gia, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” hoặc có sự mâu thuẫn giữa các cấp chính quyền.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII đề ra mục tiêu kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: “Phải được thực hiện một cách đầy đủ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Ðồng thời, việc kiểm soát quyền lực Nhà nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng dân chủ, vì lợi ích của đất nước và Nhân dân”.
Kiểm soát quyền lực là một nguyên tắc, một giá trị cốt lõi trong tổ chức, hoạt động quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền móng hiến định cho việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Theo quy định hiện nay việc kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương hiện nay gồm có các chủ thể như sau: Hệ thống kiểm tra giám sát của Ðảng nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Ðảng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; Hệ thống giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp; Hệ thống giám sát của HÐND các cấp đối với UBND và các cơ quan chuyên môn; Hệ thống kiểm tra, kiểm sát, điều tra, xét xử của toà án, viện kiểm sát, kiểm toán và của các cơ quan tố tụng; Hệ thống kiểm tra, thanh tra của Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp; Hệ thống tư vấn, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và công dân; Việc thực hiện các quyền khiếu nại tố cáo của công dân.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì cơ chế kiểm soát quyền lực của nước ta như sau: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Theo khoản 5, Ðiều 6, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan Nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp; hướng dẫn, kiểm tra HÐND trong việc thực hiện văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để HÐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định”.
Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Chính phủ quy định: “Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân. Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan Nhà nước; thống nhất quản lý cải cách hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức”...
Từ những quy định này chúng ta có thể khẳng định với vai trò, chức năng của Chính phủ, Chính phủ đủ cơ sở pháp lý để kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương.
Kiểm soát quyền lực chính quyền địa phương trong bối cảnh hiện nay là yếu tố cốt lõi nhằm duy trì trật tự và hiệu quả trong quản lý Nhà nước, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ cục bộ, lạm quyền. Trong chức năng, thẩm quyền quản lý Nhà nước hiện nay của chính quyền địa phương nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ dễ dẫn đến làm tăng nguy cơ các sai phạm, tiêu cực trong lãnh đạo, điều hành. Xu hướng chung cần nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong kiểm soát quyền lực gắn liền với việc nâng cao năng lực quản trị, quản lý và kiểm soát của chính quyền địa phương. Việc tăng cường thiết lập các cơ chế kiểm soát quyền lực bên Trung ương và địa phương, bên trong và bên ngoài hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước và của Nhân dân sẽ giúp chính quyền địa phương thực hiện chức năng nhiệm vụ và thực thi quyền lực minh bạch và khách quan hơn. Ðây là nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững, bảo vệ quyền lợi của công dân và củng cố sự tin tưởng vào bộ máy hành chính địa phương, từ đó góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.
Lê Minh Chiếc