(CMO) “Việc tỉnh Cà Mau không được hưởng đầy đủ các nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, trong khi phải cân đối các nguồn nhân lực, tài lực, vật lực để xử lý các vấn đề về môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để Cụm Dự án hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả là chưa phù hợp với những đóng góp, nỗ lực, chia sẻ, đồng hành của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau trong suốt quá trình hình thành và phát triển Cụm Dự án”, đây là thông tin vừa được ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, hoả tốc gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài Chính.
Ngày 31/8/2021, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 10008/BTC-TCT thông báo từ giai đoạn ổn định ngân sách năm 2022-2025, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh khí tại Cà Mau theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn (kê khai, nộp thuế tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).
Việc điều chỉnh kê khai, nộp thuế nêu trên sẽ làm giảm số thu, quy mô thu ngân sách hàng năm của tỉnh Cà Mau khoảng 20%; từ đó kéo giảm trần nợ vay của chính quyền địa phương, làm giảm quy mô, khả năng đầu tư phát triển của tỉnh, nhất là đầu tư hạ tầng.
Cà Mau là tỉnh có nhiều khó khăn nhất trong các tỉnh, thành ĐBSCL, thậm chí là cả nước, do chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụp lún đất, cách xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng giao thông kết nối yếu kém, địa hình chia cắt bởi sông rạch chằng chịt, nền đất yếu, vật liệu xây dựng không có tại chỗ, suất đầu tư cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận; là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, số lượng doanh nghiệp còn ít, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chưa tự cân đối được ngân sách... Đặc biệt 2 năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế, đời sống Nhân dân.
“Trong điều kiện khó khăn chồng chất khó khăn đó, khả năng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã được Bộ Chính trị cho ý kiến thống nhất sẽ không thực hiện đạt, nếu tỉnh Cà Mau không được giao dự toán nguồn thu từ hoạt động kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh (chiếm khoảng 17% ngân sách của giai đoạn)”, ông Huỳnh Quốc Việt khẳng định.
Sản phẩm từ Nhà máy Đạm Cà Mau không những đóng góp rất lớn vào sản xuất nông nghiệp Việt Nam mà còn mang thương hiệu Việt ra thế giới. |
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Kinh doanh sản phẩm Khí tiếp tục thực hiện kê khai, nộp thuế tại tỉnh Cà Mau đối với số thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh khí tại tỉnh như đã thực hiện trong giai đoạn 2012-2021. Việc làm này là nhằm tạo điều kiện cho Cà Mau ổn định cân đối thu, chi ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 và những năm tiếp theo, góp phần tăng số thu ngân sách, tăng tỷ lệ đầu tư phát triển và nâng trần nợ vay của chính quyền địa phương, tạo điều kiện mở rộng quy mô, khả năng đầu tư phát triển, góp phần hoàn thiện nhanh hơn, đồng bộ hơn hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, tiến đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau là công trình trọng điểm của Quốc gia do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) làm chủ đầu tư, đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, với diện tích hơn 200 ha, bao gồm: Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, công suất 2 tỷ m3 khí/năm, chiều dài đường ống 325 km (có 298 km đi ngầm dưới biển) và Trung tâm Phân phối khí; Nhà máy Điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 với tổng công suất 1.500 MW; Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm và Nhà máy NPK Đạm Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm; Nhà máy Xử lý khí Cà Mau công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày, cùng nhiều công trình phụ trợ khác.
Nhà máy Khí Cà Mau hiện cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn LPG/ngày (tương đương 219.000 tấn LPG/năm) và 35 tấn Condensate/ngày (tương đương 12.775 tấn Condensate/năm). |
Hệ thống khí từ khi đưa vào vận hành đến nay hoạt động an toàn và ổn định. Tính đến cuối năm 2020, tổng lượng khí đưa vào bờ là 22,48 tỷ m3 khí; tổng sản lượng điện thương mại đạt hơn 96 tỷ kWh; Nhà máy Đạm Cà Mau đã cung cấp 7,29 triệu tấn sản phẩm Đạm Cà Mau; toàn Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau ghi nhận tổng doanh thu gần 245.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước tỉnh Cà Mau gần 16.500 tỷ đồng, trở thành nguồn thu ngân sách lớn nhất của tỉnh. Riêng số thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Kinh doanh sản phẩm khí tại tỉnh Cà Mau gần 4.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, chiếm trên 16,5% tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Cà Mau./.
Trần Nguyên