Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 2.700 trường hợp trẻ em bị mắc các chứng bệnh về đường tiêu hoá, trong đó phổ biến nhất là bệnh tiêu chảy, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp nhận 758 trường hợp.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 2.700 trường hợp trẻ em bị mắc các chứng bệnh về đường tiêu hoá, trong đó phổ biến nhất là bệnh tiêu chảy, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp nhận 758 trường hợp.
Bác sĩ Phan Việt Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin: “Ngay từ đầu năm, nhờ có sự kết hợp tích cực giữa Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và các đơn vị y tế dự phòng các cấp, tích cực làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng tránh bệnh tiêu chảy ở trẻ em, đồng thời hằng tuần bệnh viện còn tổ chức họp Hội đồng người bệnh để tư vấn và khuyến cáo người dân am hiểu hơn về cách phòng tránh bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nên mặc dù hiện nay bệnh vẫn còn cao, nhưng hiện tượng bùng phát thành ổ dịch vào thời điểm giao mùa không tái phát như những năm trước đây”.
![]() |
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau thăm khám và điều trị bệnh nhi bị bệnh tiêu chảy. |
Theo thống kê của ngành chuyên môn, bệnh tiêu chảy là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân thường gặp nhất vẫn là do đường ruột của trẻ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, do ăn uống không hợp vệ sinh hoặc chế độ ăn uống không phù hợp với lứa tuổi, sử dụng kháng sinh kéo dài… Khi trẻ bị tiêu chảy có những biểu hiện như ăn kém, bỏ ăn, đầy bụng, nôn… Thường những triệu chứng này sẽ kéo dài khoảng từ 3-6 giờ trước khi xuất hiện tiêu chảy. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ lại thiếu kiến thức để nhận biết các triệu chứng trên, không ít trường hợp còn tự ý điều trị bằng các bài thuốc nam thông dụng hoặc kinh nghiệm dân gian, nên khi trẻ trở nặng thường sẽ rất khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị.
Chị Lý Thị Trâm, ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, là mẹ của bé Trần Hiếu Huy, 24 tháng tuổi, cho biết, khi thấy bé bị tiêu chảy, gia đình sử dụng một số cây thuốc nam trong vườn nhà và tự ý mua thuốc ở các nhà thuốc tây cho cháu uống. Ðến ngày thứ tư thì bệnh tình của cháu không những không giảm mà còn trở nặng thêm, cuối cùng phải đưa cháu nhập viện.
Theo thông tin từ Bác sĩ Huỳnh Thuý Hằng, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau: “Nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong giai đoạn nguy kịch, mà số đó một phần là do gia đình thiếu hiểu biết về kiến thức phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ nhỏ hoặc tự ý điều trị tại nhà, làm cho bệnh của trẻ có nguy cơ càng thêm nặng”.
Hiện tượng tiêu chảy dễ nhận biết thường là bắt đầu bằng một đợt tiêu chảy cấp và kéo dài, hậu quả của tình trạng này là trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Mối đe doạ lớn nhất của tiêu chảy chính là tình trạng mất nước, làm cho cơ thể trẻ trở nên mệt mỏi, quấy khóc và ăn kém. Việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần chú ý là nên bù đủ nước và men vi sinh cho trẻ.
Bác sĩ Phan Việt Sơn khuyến cáo: “Nếu tiêu chảy do trẻ ăn thức ăn mới hoặc do dùng thuốc kháng sinh thì thường ở dạng nhẹ. Tốt nhất, để phòng ngừa nên cho trẻ ăn từng ít một để cơ thể quen dần rồi sau đó mới tăng dần lượng thức ăn lên. Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hằng ngày cho trẻ cũng nên bổ sung thêm sữa chua”.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ đều do vi khuẩn và vật ký sinh trong thức ăn, nước uống gây ra, chúng thường có ở nguồn nước không hợp vệ sinh, thịt chưa được nấu chín hẳn. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ hay có thói quen chơi đùa ở những vũng nước tù đọng, hồ nước công cộng, nơi có rất nhiều vật ký sinh có thể gây bệnh cho trẻ. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là nên giữ vệ sinh ăn uống và trong sinh hoạt hằng ngày.
Trẻ trong giai đoạn còn bú, các bà mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ, vì sữa mẹ vô trùng và không bao giờ gây tiêu chảy nhiễm trùng. Ðồng thời, sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp trẻ chống lại vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa được bệnh tiêu chảy cực kỳ hiệu quả. Cần giữ gìn sạch sẽ nhà vệ sinh, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi tiêu (kể cả người lớn). Thức ăn cần tránh để ruồi nhặng bu bám, thường xuyên vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ bị bệnh tiêu chảy, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ ăn các chất dạng lỏng như cháo để dễ tiêu hoá và hấp thụ dinh dưỡng. Cho trẻ uống oresol (nước biển khô), nước cháo loãng pha ít muối hoặc nước dừa non. Nên cho trẻ ăn nhiều hơn, vì nếu ăn ít hoặc bú ít có thể làm cho trẻ bị sút cân, chức năng hồi phục của đường ruột cũng tiến triển chậm hơn.
Kiến thức hiểu biết về bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ và việc chăm sóc trẻ khi mắc bệnh tiêu chảy đúng cách ngay tại nhà của các bậc làm cha, làm mẹ là cực kỳ quan trọng, vì nó sẽ giảm nguy cơ tử vong trước khi có sự can thiệp kịp thời của bác sĩ./.
Bài và ảnh: Phương Vũ