Nhằm tạo động lực để viên chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng yếu thế trong xã hội, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2023/NQ-HÐND, ngày 7/4/2023, quy định mức hỗ trợ đối với viên chức, người lao động tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập, các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
- Trợ lực cho người yếu thế - Chuyện không của riêng ai
- Các cơ sở đặc thù mong muốn được tạo điều kiện tốt hơn trong hoạt động
- Thực hiện đồng bộ công tác người cao tuổi
Cơ sở trợ giúp xã hội (CSTGXH) là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, là mái ấm của những đối tượng yếu thế và mảnh đời bất hạnh: trẻ mồ côi; trẻ bị bỏ rơi; trẻ khuyết tật; trẻ tự kỷ; trẻ lang thang; trẻ bị bạo hành; trẻ bị xâm hại; người bị tâm thần; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách, người có công; nạn nhân bị buôn bán, bạo lực gia đình, bị cưỡng bức lao động thuộc diện bảo vệ khẩn cấp. Công việc tại các CSTGXH không thể trì trệ vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và đời sống của đối tượng.
Ngày 9/7/2014, HÐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2014/NQ-HÐND về mức hỗ trợ đặc thù với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, bảo trợ xã hội công lập và Làng trẻ em SOS trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với người làm việc trực tiếp; viên chức, người lao động còn lại được hỗ trợ bằng 1,2 lần mức lương cơ sở/người/tháng; người lao động làm việc tại Làng trẻ em SOS Cà Mau được hỗ trợ bằng 60% của mức 1,5 lần và 1,2 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Nghị quyết nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự nhiệt tâm của các đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Trên địa bàn tỉnh có 5 CSTGXH, trong đó có 2 cơ sở công lập (Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần), 3 cơ sở ngoài công lập (Làng trẻ em SOS Cà Mau; Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi Nhân Ái; Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hưng Phước) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập. Hiện tại, các cơ sở đang tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng gần 1.000 người; dự báo số lượng tiếp nhận quản lý tại các CSTGXH có khả năng ngày càng tăng cao.
Những người mẹ thứ hai tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh luôn tận tâm chăm sóc, yêu thương để gieo niềm tin, nghị lực sống cho trẻ thiệt thòi.
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 07/2014/NQ-HÐND, đến nay, một số định mức của nghị quyết này không còn phù hợp, tình hình trượt giá đã tác động đến đời sống của viên chức, người lao động tại các CSTGXH. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại các CSTGXH, khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần. Ðồng thời, tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 07, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương chưa có chính sách quy định những người làm việc tại các CSTGXH được hưởng trợ cấp đặc thù.
Sau đó, Nghị định số 26/2016/NÐ-CP của Chính phủ đã được ban hành, nhưng chỉ quy định trợ cấp đặc thù cho người làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma tuý. Vì thế, việc ban hành Nghị quyết 03/2023/NQ-HÐND và thay thế Nghị quyết số 07/2014/NQ-HÐND là cần thiết.
Hiện nay, số lượng đối tượng trợ cấp xã hội trên địa bàn tỉnh khá lớn, hơn 53 ngàn người, vì vậy việc phát triển và duy trì mạng lưới CSTGXH ngoài công lập là giải pháp cần thiết. Chính sách được ban hành sẽ thu hút các tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập nhiều CSTGXH ngoài công lập, góp phần giảm chi ngân sách, chi đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, chi phí nuôi dưỡng cho các đối tượng.
Theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HÐND thì viên chức, người lao động tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập và CSTGXH công lập trực tiếp tiếp xúc với đối tượng được hỗ trợ bằng 2,0 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Viên chức, người lao động tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập và CSTGXH công lập gián tiếp tiếp xúc với đối tượng được hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Người lao động tại CSTGXH ngoài công lập trực tiếp tiếp xúc với đối tượng được hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Giờ học tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hoà nhập.
16 năm gắn bó với trẻ kém may mắn tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi Nhân Ái (TP Cà Mau), cô Phan Thị Tú Trinh chia sẻ: “Tôi vào công tác ở trung tâm từ những ngày đầu thành lập. Mỗi giờ lên lớp đối với tôi là sự truyền trao tình yêu thương, sự sẻ chia, đồng cảm đối với những mầm xanh khiếm khuyết. Ở đây chúng tôi không gọi là lương mà là tiền bồi dưỡng, nên hằng tháng không được nhiều, như tôi gắn bó lâu năm nhất, lương chỉ nhận khoảng 4,5 triệu đồng. Từ khi được hỗ trợ 1,5 lần mức lương cơ sở, hằng tháng tôi được nhận 5,7 triệu đồng. Có thêm khoản này, cuộc sống đỡ vất vả, tôi và chị em ai nấy đều phấn khởi”.
Các cô tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi Nhân Ái vui chơi, giải trí cùng trẻ khiếm thính.
Nghị quyết 03/2023/NQ-HÐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2023. Việc ban hành nghị quyết nhằm thể hiện sự quan tâm của cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương đối với viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hoà nhập, các CSTGXH, tạo động lực cho viên chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng yếu thế, phát huy vai trò, năng lực, kinh nghiệm và gắn bó với công việc đặc biệt này./.
Mộng Thường