Bác Hồ về ATK Định Hóa, Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu
Chuyến công tác “như trong phim ảnh”
(Thanhuytphcm.vn) - Đó là thời gian những năm 1939 - 1940, Bác rời cơ quan Quốc tế Cộng sản (ở Liên Xô), rời Trung Quốc để đi dần về biên giới Việt - Trung. Nhiều thanh niên yêu nước ở Việt Nam qua, muốn được huấn luyện và thụ giảng bởi những người am hiểu thời cuộc. Đây là cơ hội Bác Hồ tiếp xúc với họ.
Nhưng tình hình Trung Quốc rất phức tạp, Tưởng Giới Thạch đang thắng thế. Bác phải nhiều lần cải trang để tránh mật vụ của Tưởng. Nhà Cách mạng lão thành Vũ Anh thông thuộc địa hình Quảng Tây, nhiều lần đưa Bác di chuyển qua lại Quế Lâm - Côn Minh - Hồ Khẩu. Có chuyến công tác đi “như trong phim ảnh” được kể lại như sau:
“Chuyến đi hôm ấy gồm có Bác, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng… Cả đoàn đi ô tô đến Nam Ninh rồi lên thuyền ngược về Điền Đông. Trên thuyền có nhiều người của Trương Bội Công (người thân Tưởng nhưng muốn có ảnh hưởng với Việt Nam). Để an toàn, Bác phải đóng vai một nhà báo Trung Quốc nhưng nói tiếng Anh, Pháp. Ai cũng tưởng đó là nhà báo Trung Quốc thật.
Một lúc, chị Hiền - người cùng đoàn đi trên thuyền khát nước quá, định múc nước sông uống. Bác phải gọi anh Đồng lại, bảo phải mua mía ăn đỡ. Một lần, có ai trên thuyền hút thuốc lá làm rơi tàn vào áo, Bác quên mất, buột miệng kêu tiếng Việt: “Cháy! Cháy!”. Ai nấy nghe cũng bật cười.” (Trích cuốn “Đầu nguồn” NXB Văn hóa - Văn nghệ - 2018).
Nghe tin “Hồ Chí Minh mất trong tù”
Thời gian đó Bác bị mật vụ của Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây nhân chuyến sang Trung Quốc tháng 8/1942, có tin bị mất trong tù. Võ Nguyên Giáp kể lại:
“Về tới cơ quan, nhận được tin sét đánh. Anh Đồng và anh Vũ Anh cho biết. Mọi người đau đớn vô hạn. Chúng tôi biên thư báo cáo về Trung ương, rồi bàn làm lễ truy điệu, phân công anh Đồng chuẩn bị điếu văn… Tuy nhiên, muốn biết một cách chắc chắn, chúng tôi vẫn định phái anh Cáp (Đặng Văn Cáp) sang Trung Quốc lần nữa, nghe lại tin này và tìm xem phần mộ Bác đặt ở đâu. Nhưng thật hồng phúc, một thời gian sau trên mấy tờ báo ở Trung Quốc gửi về, có mấy hàng chữ Hán viết tay, Võ Nguyên Giáp nhận ra đúng là chữ Bác viết: “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên”. Vui nữa lại thêm bài thơ “Mới ra tù, tập leo núi” (“Đầu nguồn” NXB Văn hóa - Văn nghệ - 2018).
Bác dần dần lấy lại sức, tiếp tục hoạt động ở hải ngoại. Người trở thành yếu nhân trong việc tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cách mạng Việt Nam ở hải ngoại.
Ở chiến khu Việt Bắc 8 năm kháng chiến
8 năm kháng chiến gian khổ nhưng nhiều chuyện vui. Bác đã chọn Việt Bắc gồm các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ làm căn cứ địa chiến lược để trường kỳ kháng chiến. Mỗi địa điểm cơ quan trú đóng phải đạt các tiêu chí do Người đặt ra: “Trên có núi, dưới có sông. Có đất ta trồng, có bãi ta chơi. Tiện đường sang Bộ Tổng, thuận lối tới Trung ương. Nhà thoáng ráo, kín mái. Gần dân, không gần đường.”
Bao giờ sau họp cũng có lửa trại. Cụ Hoàng Đạo Thúy - “tổ sư” hướng đạo sinh nhớ lại: “Bản tin đến, cụ Hồ đọc ngay. Cụ nằm bắt chân chữ ngũ, chăm chú đọc. Một buổi chiều, Cụ đi tìm tôi, bảo: “Tối nay cụ tổ chức lửa trại nhé!”. “Thưa Cụ, chỉ có mấy ông cụ già với mấy ông bộ trưởng bận bịu, lửa trại khó mà vui được lắm.” “Cứ vui chứ!”.
Tối, lửa bùng lên. Ngồi quanh có cụ Hồ, cụ Tôn, cụ Phan Kế Toại, cụ Phạm Bá Trực và mười ông bộ trưởng. Tôi chắp tay: “Xin mời cụ Chủ tịch hát mở lửa trại”. Chẳng ngần ngại gì cả, Cụ vừa bước quanh lửa, vừa lên tiếng hát: “Anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu…” (Sách “Lòng nhân ái Bác Hồ” - NXB Tổng hợp TPHCM).
Một câu chuyện khác qua hồi ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến: Ngày 15/1/1948, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng. Buổi sáng, Cụ cặm cụi pha chế café và cho mỗi người một cốc. Ấm bụng rồi, cùng Cụ và các anh em đi đến địa điểm hội nghị. Trong một khoảng rừng khác, một ngôi nhà rộng rãi của đồng bào Mán, đã chật cả người. Ai nấy đều ra chào đón Cụ. Anh em gặp nhau sau những ngày vất vả vì cuộc tấn công của địch, vui mừng quá. Cụ bắt tay mọi người, rồi câu chuyện thân mật kéo dài xung quanh Cụ trong lúc gió trong rừng hắt vào lạnh thấu xương…
Thơ trả lời cụ Huỳnh Thúc Kháng
Cụ Huỳnh quê huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam là một chí sỹ, học giả uyên thâm, đỗ Hoàng giáp năm 1904, bị Pháp bắt tù đày 13 năm ở Côn Đảo (1908 - 1921). Ra tù làm chủ bút báo Tiếng Dân ở Huế (1927). Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, được cụ Hồ mời ra làm việc giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và quyền Chủ tịch nước (1946).
Là nhà nho nghiêm cẩn, lại hơn tuổi cụ Hồ, nhưng sau thời gian tiếp xúc, hai Cụ trở thành thân thiết. Nhân một lần vui, cụ Huỳnh có thơ:
“Năm mươi sáu tuổi, vẫn chưa già
Cụ ông thì thấy, Cụ bà thì không”
Cụ Hồ tiếp nhận nhưng chỉ cười. Rồi khoảng giữa năm 1946 trong thư điện của Bác từ Pháp gửi về, có bài thơ Bác gửi cụ Huỳnh:
“Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời
Nhớ cụ Huỳnh lắm, cụ Huỳnh ơi
Non sông một gánh, chung nhau gánh
Độc lập xong rồi, cưới vợ thôi.!”
Người Cộng sản không chỉ trái tim sắt đá. Bác làm việc khoa học, nghiêm mà vui. Giao hòa, gần gũi đồng sự, đồng bào. “Mỗi lần đi xa được về với Bác là lòng chúng tôi thấy ấm áp rộn ràng…” (Vũ Anh).
“Bác lúc nào cũng bình thản, bình thản trước mọi khó khăn. Ở bên Bác, bao giờ chúng tôi cũng thấy một không khí đầm ấm, gần gũi….” (Võ Nguyên Giáp).
19/5, chúng ta kể nhiều câu chuyện nhỏ ấm lòng ta nhớ Bác.
Theo dangcongsan.org.vn