Trong những cán bộ ở Tiểu ban Thông tấn Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau thời kháng chiến, chắc hẳn ngày nay còn nhiều người nhớ anh Mười Hiến (Phạm Quang Hiến - Phạm Hiến), dáng gầy, thấp nhỏ, đôi mắt lộ, từng gắn bó nghề cầm máy ảnh suốt cả chục năm ở Cà Mau…
Trong những cán bộ ở Tiểu ban Thông tấn Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau thời kháng chiến, chắc hẳn ngày nay còn nhiều người nhớ anh Mười Hiến (Phạm Quang Hiến - Phạm Hiến), dáng gầy, thấp nhỏ, đôi mắt lộ, từng gắn bó nghề cầm máy ảnh suốt cả chục năm ở Cà Mau…
Năm 1966, tôi là cậu bé mới lớn ở xóm cuối kinh Sáu Thước, xã Trần Hợi (nay là xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) thường nhìn cán bộ trên đường qua Sông Ðốc chèo ngang nhà. Hồi nhỏ tôi nhạy lắm, nghe người lớn nói nhớ ngay, anh đó Sáu Quang, người này chú Mười Hiến. Có lần thấy anh Mười Hiến chèo ngang, tôi chạy ra sát bờ kinh réo “Chú Mười”. Anh Mười đang đẩy nhịp chèo qua huốt cũng ngó ngoái lại nhìn tôi và chả biết thằng nhóc nào…
Bức ảnh này do Nhà báo Phạm Quang Hiến chụp trên kinh xáng Phụng Hiệp sau khi thị xã Cà Mau giải phóng. |
Mãi đến đầu năm 1973, khi được rút về tỉnh làm phóng viên tập sự Báo Cà Mau, tôi mới có dịp và thường gặp anh Mười. Bộ phận nhiếp ảnh lúc này đóng trên đất chị Tư Ninh, khỏi vàm Xẽo Tra qua phía bên kia bờ sông Giáp Nước… Các phóng viên nhiếp ảnh có các anh: Bảy Khâu, Lê Thông, Ðức Thượng, Khắc Ðiệp, Dương Việt Thắng, Hai Bạch, cô Phượng, Thanh Hương, Mười Ðại, Tám Thắng, Thu Hồng…
Anh Mười là Uỷ viên Tiểu ban Thông tấn Báo chí phụ trách nhiếp ảnh, bậc thầy về sáng tạo ảnh thời sự - nghệ thuật trắng đen. Nhưng không chỉ đơn thuần nhiếp ảnh, anh còn thạo tiếng Pháp, nổi vai trò thông dịch viên…
Sau Hiệp định Pa-ri 1973, anh Mười có mặt trong đoàn cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh đón tiếp các nhà báo nước ngoài, gồm vợ chồng nhà báo Pháp Ô-li-vi-ê Tốt (Báo Người quan sát mới), cùng vợ là San-tan Sat-phan-xi-ê (phóng viên nhiếp ảnh Báo Phụ nữ Pa-ri) và nhà báo Mỹ Rô-nan Mô-rô (Báo Tuần tin tức) vào vùng giải phóng Cà Mau… Mấy ngày đầu đón tiếp, do nhà báo Mỹ Rô-nan Mô-rô phiên dịch qua tiếng Pháp không chính xác, nên được lãnh đạo đoàn đồng ý cho anh Mười nói thẳng tiếng Pháp với Ô-li-vi-ê Tốt…
Từ đó, các cuộc tiếp xúc, giới thiệu luôn diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Ô-li-vi-ê Tốt có thiện cảm, thân mật với anh Mười - tư cách người của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Và trong bài viết của Ô-li-vi-ê Tốt đăng trên Báo Người quan sát mới (Pháp), số ra từ ngày 14-20/5/1973, được Báo Nhân Dân trích dịch đăng lại có nhan đề “Mười một ngày trong vùng đất cấm Việt Nam”, anh Mười là nhân vật chính, nhưng do đăng trên báo Pháp chữ không có dấu nên khi Báo Nhân Dân trích dịch in ra với cái tên là Phạm Hiền.
Chuẩn bị làm số báo Xuân Cà Mau - Giáp Dần 1974, anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô), Phó Tiểu ban Thông tấn Báo chí phụ trách biên tập Báo Cà Mau, mời các uỷ viên tiểu ban, trong đó có anh Mười viết một bài báo xuân và có mặt tập trung lại bộ phận Báo Cà Mau để thông qua bài. Bài ai viết nấy đọc cho tập thể nghe và góp ý, sửa chữa… Cuộc họp có các anh làm báo Giải Phóng miền Tây Nam Bộ biệt phái về Cà Mau như: Tam Nghị, Bảy Nhẫn, Mười Lai; Báo Cà Mau có các anh: Lê Hữu Nghiêm, Nguyễn Duy Vinh, Nguyễn Thanh Sử, chế Sáu Kiều…
Anh Mười cầm trên tay bản thảo bài “Thư Xuân”, viết trên giấy manh kẻ ngang, dầy đặc chữ tháu, xen mực đỏ đánh dấu như sơ đồ, giọng đọc run run mà truyền cảm:
“Chị Lan thương yêu.
Thấm thoắt lại Tết. Những con én nhỏ đã trở về mang theo cái lạnh bồn chồn của mùa xuân. Mỗi người lại thêm một tuổi. Mau quá! Ðây là cái Tết thứ ba chị xa tụi em, xa mái trường thương yêu của mình trở về quê hương chị.
Một mùa xuân nữa đến, đến dưới khung trời đất nước vẫn còn rền những chiếc B52 sống sót ngày ngày cố kéo dài những dải khăn tang trắng, đến vẫn trong tiếng ô-buy hằn học vọng về lay giấc ngủ đêm đêm…”.
Bài viết dài, nhiều tình tiết hấp dẫn. Các anh góp ý anh Mười rút bớt chữ cho súc tích, cô đọng, nhưng khi báo phát hành, bài “Thư Xuân” gần 1 trang in chữ chì. Nhớ hồi đọc thông qua xong, anh Mười dừng lại tham khảo các anh về bút danh “H.L”. Các ảnh bật cười sôi nổi, nhận ra ngay “H.L” tức Hiến Lẹ, mối tình đang chớm nở giữa anh Mười với chế Năm Lẹ - vợ liệt sĩ cách mạng, ở vàm Khâu Bè… Ðấy chính là chi tiết mà hơn 20 năm sau tôi “được phép” gọi chú Mười bằng anh, thật ra phải gọi anh Năm mới đúng! Bởi lẽ, anh Mười và tôi đều mắc gốc “rể” vùng Giáp Nước này.
Khi các cơ quan được lệnh rời Giáp Nước, chuyển hướng toàn bộ lên Rau Dừa vào mấy tháng cuối năm 1974 và anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô) được cử đi học Trường Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ, Thường trực Ban Tuyên huấn tỉnh phân công anh Mười Hiến phụ trách biên tập số Báo Xuân Cà Mau - Ất Mão 1975.
Các phóng viên được phân công đi thực tế viết bài nộp cho anh Mười. Chế Hai Hồng, Uỷ viên Thường trực Ban Tuyên huấn tỉnh đảm trách bài xã luận. Bìa báo xuân do anh Hai Bình - Hoạ sĩ Văn Bình thể hiện tranh khắc gỗ, hình ảnh đoàn xuồng gắn máy chở bộ đội thần tốc hành quân…
Chuyên mục “Nụ cười giải phóng” trên Báo Cà Mau suốt cả chục năm trước do Nhà báo Nguyễn Mai thuộc bậc thầy viết chuyện cười ký bút danh Hoả Tiễn, hễ đọc là cười, có những mẩu chuyện cười ra nước mắt… Báo Cà Mau số Xuân Tân Hợi 1971, anh Ba Tùng viết 2-3 chuyện vui cho mục “Nụ cười giải phóng”cũng có duyên, đọc rồi tự bật cười… Số báo Xuân Cà Mau Ất Mão 1975, chuyên mục “Nụ cười” có đổi khác, thay vì “Cười mỉm chi”, anh Mười gợi ý tôi vẽ vi-nhét cho Thanh Hải khắc gỗ là “Cười miếng chi” và anh viết 3 chuyện vui: Nghiên cứu cẩn thận, Lập trường tham nhũng, Phụ nữ… cộng huề, ký bút danh K44, tức súng trường “bá đỏ”.
Các việc chuẩn bị xong, tôi với anh Mười đi xuồng chèo từ Xẽo Trê, Rau Dừa, xuống tận Nhà in Trần Ngọc Hy tỉnh Cà Mau từ kinh Ông Ðơn chuyển lên rạch Xẽo Vinh, xã Tân Hưng Tây, Cái Nước. Tại đây, suốt mấy ngày đêm anh Mười tập trung công tác biên tập, tôi chép sạch lại một số bài và lên market giao cho anh chị em công nhân nhà in sắp chữ chì in báo từng trang… Tôi nhớ câu nói của anh Mười: Theo kinh nghiệm, làm công tác biên tập báo in phải độ tuổi từ 40 trở lên mới chuẩn xác… Và anh Mười đã hoàn thành việc biên tập số Báo Xuân Ất Mão 1975 với khả năng làm báo viết có thừa…
Dịp Tết Nguyên đán Ất Mão năm 1975, anh chị em Tiểu ban tập trung lại bộ phận nhiếp ảnh trong khu vườn của chú Sáu Lân, vui tiệc ăn Tết và liên hoan tiễn anh Mười và chế Sáu Kiều đi học Trường Báo chí miền Nam tận trên “R”. Trước đó, chế Sáu Kiều chia tay lặng lẽ, đi đường công khai… Và, đang lúc anh Mười còn lặn lội vất vả theo đường giao liên lên miền Ðông Nam Bộ, thì “ở nhà” đã có quyết định bổ nhiệm anh làm Phó Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Cà Mau.
Ðó là tin vui, nhưng anh Mười chưa nhận được quyết định, vì đang đi học và cho đến ngày chiến thắng 30/4/1975 cùng ra tiếp quản Sài Gòn và anh Mười được rút ở lại với công tác mới, phụ trách nhiếp ảnh B2 thuộc TTXVN, thường trú lại TP Hồ Chí Minh…
24 năm sau, trong một chuyến về thăm quê vợ ở Khâu Bè, anh Mười tranh thủ sang thị trấn Cái Nước tìm tôi, chuyện vãn buổi chiều và đêm 19/10/1999. Với quê hương thứ hai, cũng là quê vợ, anh Mười giàu vốn sống, chan hoà tình cảm và nói câu nghe dạt dào tình cảm: “Cà Mau nước mặn tràn sông anh cũng về…”.
Nhắc kỷ niệm lần đón tiếp các nhà báo nước ngoài, anh Mười kể: Sau giải phóng 30/4/1975, Ô-li-vi-ê Tốt có qua Sài Gòn, liên hệ tìm và anh có tiếp nhà báo Pháp cùng tuổi này… Riêng nhà báo Mỹ Rô-nan Mô-rô cũng có qua Sài Gòn, cũng liên hệ muốn gặp, nhưng vì bận việc nên anh Mười không tiếp được…
Anh Mười tên thật Phạm Quang Hiếu, sinh năm 1927, nguyên quán Sài Gòn, tham gia cách mạng và từng bị giặc Pháp bắt giam cầm ở Côn Ðảo. Anh tâm sự: Gia đình anh có đến 3 người, gồm ông thân sinh, người anh thứ Năm và anh Mười đã bị thực dân Pháp bắt đày ra nhà tù Côn Ðảo, khi trở về đất liền, tiếp tục hoạt động cách mạng ở địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũ… Anh Mười nói: Ðúng ra, lịch sử Ðảng bộ tỉnh Bạc Liêu, hay Cà Mau ghi sự kiện này…
Từ địa bàn huyện Trần Văn Thời, anh Mười được điều động về công tác bộ phận nhiếp ảnh tỉnh, một thời thích nghi với điều kiện thực tế, thường một mình với chiếc xuống chèo đi khắp vùng sông nước Cà Mau đến cuối mùa kháng chiến chống Mỹ…
Thời kỳ gian khổ, ác liệt, anh Mười cùng anh em di chuyển hết nơi này sang nơi khác, những năm trước đó anh cũng từng vượt Tam Giang, Cửa Lớn, xuyên rừng đước, lao lách về xóm mũi Rạch Tàu, bấm máy ghi lại những bức ảnh sống động nơi mảnh đất tận cùng cực Nam Tổ quốc. Nhìn những bức ảnh phơi lưới; nhà sàn; 2 mẹ con người phụ nữ tươi cười…; ảnh phong cảnh mây nước thơ mộng hữu tình ở xóm cuối trời, có ai nhận ra đó là vào thời chiến. Tôi được anh Mười tặng mấy bức ảnh và còn lưu giữ từ năm 1973 đến nay… Và cả bức ảnh ngược sáng, 2 người phụ nữ đội nón lá đang đẩy nhịp chèo trên dòng kinh xáng Cà Mau - Phụng Hiệp, anh chụp khi đứng trên cầu Quay, chuyến về thăm thị xã Cà Mau sau giải phóng…
Thời gian trôi mau chóng, có người nhớ, người quên. Tôi nhắc thêm chi tiết này: Trước năm 1975, ở thị trấn Thới Bình, thị trấn Tắc Vân… có hiệu ảnh Ðông Quang, đều là cháu của anh Mười…
Nguyễn Minh