(CMO) UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ô nhiễm môi trường cũng như kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Hiện trong nội ô TP. Cà Mau và trung tâm các thị trấn, tình trạng rác thải tồn đọng nhiều trên các tuyến sông, kinh rạch, các bãi đất trống rất phổ biến.
Bãi tập kết rác ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước gây ô nhiễm môi trường sống. |
Nóng nhất vẫn là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, đáng báo động là ở Khu Công nghiệp Hoà Trung (huyện Cái Nước), cụm công nghiệp Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời)…, chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp chưa được thu gom, xử lý triệt để. Bên cạnh đó, các hoạt động xả thải chưa qua hệ thống lắng lọc tại các cơ sở chế biến thuỷ sản còn phổ biến.
Tại Khu Công nghiệp Hoà Trung có 9 cơ sở sản xuất công nghiệp đã phát mùi hôi, khí thải, nước thải ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân địa phương. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do các doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các sở sản xuất đều nằm cạnh kinh xáng Lương Thế Trân. Nhiều vị trí xả thải nằm bên dưới nhà dân ven sông nên rất khó kiểm soát.
Nhiều tuyến sông trong nội ô TP. Cà Mau thường xuyên bị ô nhiễm, nhất là các đoạn sông từ cống Cà Mau đến ngã ba Hoà Trung, kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kinh Thống Nhất, kinh Ba Khoanh, sông Cái Nhúc… Nước sông ô nhiễm làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và nuôi trồng thuỷ sản của người dân địa phương. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do số lượng nhà ở ven sông, chợ và cơ sở sản xuất tập trung nhiều.
Rác thải tồn đọng nhiều trên các tuyến sông trong nội ô TP. Cà Mau (ảnh chụp tại Khóm 7, Phường 7). |
Rác, nước thải từ các nhà ở ven sông cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. |
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đến hết tháng 5/2018, các địa phương phải hoàn thành công tác triển khai các tổ chức, hộ gia đình ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác ra sông, rạch... Đồng thời, tăng cường kiểm tra các khu vực công cộng thường xuyên có phát sinh rác thải gây ô nhiễm để tiến hành lắp đặt camera giám sát các khu vực này; chỉ đạo xã Lý Văn Lâm và Phường 8 (TP. Cà Mau) thành lập 2 tổ tự quản về bảo vệ môi trường.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết: “Năm 2018, Ban Chỉ đạo tập trung xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; tăng cường kiểm tra việc xả thải của các cơ sở nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh tại các địa phương, các loại hình sơ chế thuỷ sản không qua hệ thống lắng lọc".
Các cơ sở sơ chế mặt hàng thuỷ hải sản thường xả thải ra sông. |
“Ban chỉ đạo sẽ tăng cường việc giám sát, quy trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương để xảy ra sai phạm về bảo vệ môi trường”, ông Lên khẳng định.
Việc xả thải của các hộ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh tại các địa phương cần được kiểm soát chặt chẽ. |
Đối với Khu Công nghiệp Hoà Trung, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Cà Mau, UBND huyện Cái Nước, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tăng cường kiểm tra việc xả thải đối với các doanh nghiệp này. Buộc các cơ sở sản xuất cam kết đến cuối năm 2018 phải có hệ thống xử lý triệt để chất thải, mùi hôi; yêu cầu các doanh nghiệp này đến cuối tháng 6/2018 phải lắp đặt camera giám sát và điện kế điện tử tại hệ thống xử lý nước thải và truyền số liệu.
Đối với cụm công nghiệp Sông Đốc, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp này với diện tích 100 ha.
Bên cạnh đó, tỉnh không cho xây dựng thêm các nhà máy, xí nghiệp nằm ngoài quy hoạch khu công nghiệp. Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành công tác rà soát, kiểm tra các cơ sở có lò hơi sử dụng trấu, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 5/2018. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật và giải pháp trong việc xử lý và vận hành lò hơi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường./.
Vũ Trân