(CMO) Bà cụ ấy trạc 70 tuổi, mặt đen đúa, lưng cong queo như dáng con tôm luộc, mỗi ngày vác một bao ve chai đi ngang đường nhà tôi. Dường như đã trở thành một lập trình mặc định, cứ đúng 7 giờ là bà có mặt tại bãi rác tập kết để nhặt những vỏ chai nhựa. Chẳng những thế, khi thấy rác vương vãi bên ngoài, bà cho vào bao, sọt gọn gàng. Dù mưa hay nắng, bà vẫn mặc tình, cứ gắng làm công việc của mình ngày này qua tháng khác. Chiếc áo bà ba xanh ngày nào tôi cũng thấy bà khoác trên người.
Có hôm trời mưa tầm tã. Cơn mưa giữa thu đỏng đảnh như cô gái tuổi xuân thì. Mới hừng sáng trời trút cơn mưa dữ dội, sau đó nắng lên, nhưng chừng 30 phút, trời lại đổ trận mưa rào. Bà lão bước đi trong mưa. Bao ve chai nặng trĩu vì mưa thấm nước khiến lưng bà cong quặp hơn. Dường như ông trời chẳng thương bà, những sọt rác hôm ấy chẳng có vỏ lon bia, chai nước ngọt nào. Ngồi trong quán nước, nhìn thấy cảnh đó, tôi lao ra nhét vào túi bà 50.000 đồng nhưng bà lắc đầu không nhận. Bà vẫn giữ nguyên sắc mặt lạnh lùng, không nói, lặng lẽ bước đi trong mưa.
Công việc nhặt ve chai của bà lão không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần làm đẹp môi trường. |
Nào giờ tôi đâu có tính nhiều chuyện. Vậy mà tự nhiên lại muốn tìm hiểu về cuộc đời của bà: ở đâu, gia cảnh, con cái... Lân la hỏi thăm những người nhặt ve chai, chỉ nhận được cái lắc đầu thất vọng. Có người bảo, đi đến đâu cũng gặp bà lượm lon bia, thậm chí ở vùng ngoại ô. Điều đó có lẽ chính xác, bởi nhìn đôi dép nhựa của bà bè ra như hai chiếc phà, đôi chân nứt nẻ, đủ hiểu bà đi bộ rất nhiều. Sự tò mò về đời tư của bà đành gác lại bởi bà như bóng ma, bí ẩn. Mà nếu có thiện nguyện chắc bà cũng không nhận. Bà muốn hưởng thụ từ thành quả lao động do chính đôi tay mình tạo ra, không nhờ vả bất cứ ai. Thế gian này hiếm có người như thế.
Bà lão ấy vẫn làm công việc của mình mỗi ngày. Mặc cho những xô bồ của xã hội: ồn ào, phức tạp, bon chen. Lắm lúc lũ trẻ con chạy theo bỏ lon nhựa vào bao cho bà nhưng bị cha mẹ chúng gọi vào: “Con cứ bỏ xuống đất, để bà ấy tự nhặt. Không thấy bà ta dơ hay sao? Biết đâu bà ấy điên, làm bậy thì khổ”. Rồi họ lôi con mình vào nhà như tránh khủng bố. Riêng tôi, bà ấy tỉnh, thực sự tỉnh táo ấy chứ. Bởi nhờ có bà mà thành phố trở nên sạch, đẹp hơn./.
Nguyễn Hoàng Duy