Năm 2023, tại xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, tổng số thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được Nhà nước hỗ trợ cho người dân là 11.990 thẻ. Trong đó, trẻ em 1.129 thẻ; thẻ BHYT ấp đặc biệt khó khăn 1.947 thẻ; người có công 511 thẻ; BHYT cho đối tượng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 347 thẻ; BHYT hộ nghèo 720 thẻ, cận nghèo 231 thẻ; BHYT xã an toàn khu là 7.105 thẻ.
Hiểu được tính ưu việt của chính sách BHXH, nhiều người dân trên địa bàn xã Tân Thuận chủ động tham gia BHXH tự nguyện. UBND xã đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 10/4/2023 về việc thực hiện phát triển BHXH, vận động được 118 người, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn xã là 357/340, đạt 105%, vượt chỉ tiêu huyện giao.
“Chúng tôi phối hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt là BHXH huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Theo đó, việc tuyên truyền, vận động một cách dễ hiểu, sâu sát tình hình thực tế, hoàn cảnh sống của từng đối tượng để đưa ra hướng vận động phù hợp. Từ đó, khi tiếp cận với các đối tượng tiềm năng, chúng tôi giúp họ thấy từng lợi ích của các chính sách BHXH là nhân văn, mang đến nhiều ý nghĩa trong cuộc sống”, bà Trần Yến Phương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết.
Ði từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng là phương châm tiên quyết giúp xã Tân Thuận đạt kết quả tích cực trong công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Dù là người lao động tự do hay sản xuất tại nhà, mỗi gia đình đều có thể tham gia BHXH tự nguyện để tích luỹ khi về già, hay chẳng may gặp ốm đau, bệnh tật, hoặc khi qua đời thì gia đình sẽ nhận được phần hỗ trợ tử tuất.
Gia đình bà Hà Hồng Sang, ấp Thuận Hoà, có 6 thành viên tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2019. Theo đó, để tham gia BHXH tự nguyện cho vợ chồng bà và 1 người con với mức đóng 297 ngàn đồng/người/tháng, bà bỏ ống heo tích luỹ hằng ngày từ việc buôn bán. Từ cách này bà duy trì tham gia BHXH, chủ động tích luỹ để có lương hưu, đỡ phần gánh nặng cho con cháu về chi phí khám chữa bệnh khi chẳng may ốm đau bệnh tật lúc về già. "Một chút tích luỹ hằng ngày nhưng nhiều ý nghĩa, có thể an tâm khi về già vì được hưởng các chế độ của BHXH", bà Sang tâm sự.
Bà Sang chủ động tham gia BHXH tự nguyện cho các thành viên trong gia đình.
Gia đình ông Võ Văn Phỉ, ấp Thuận Hoà, cũng tham gia BHXH tự nguyện cho 4 thành viên từ năm 2019. "Gia đình lao động sản xuất tại nhà, khi được cán bộ địa phương vận động, tuyên truyền, chúng tôi cũng thấy rõ tính ưu việt, nhân văn nên quyết định tham gia để hưởng được nhiều quyền lợi từ BHXH mang lại", ông Phỉ chia sẻ.
Nhận thức đúng đắn về BHXH nên ông Phỉ tích cực tham gia để nhận được nhiều chính sách ưu đãi khi về già.
Kinh tế gia đình ông Phỉ chủ yếu từ nuôi thuỷ sản, cũng chưa dư dả nhiều, nhưng nghĩ đến tương lai về sau nên ông quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho mình và các thành viên trong gia đình. Dù mỗi tháng chỉ đóng 297 ngàn đồng nhưng khi đóng đủ thời gian thì ông sẽ được hưởng lương hưu, trong khi đó còn có thể giảm chi phí khám chữa bệnh, hoặc chẳng may ông qua đời thì con cháu vẫn có thể nhận được trợ cấp mai táng phí, giảm gánh nặng.
Bà Trần Yến Phương phấn khởi: “Tuyên truyền, vận động bám sát thực tế hoàn cảnh đối tượng là giải pháp hữu hiệu khi thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Phát huy kết quả đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, rà soát các đối tượng tiềm năng để khuyến khích họ tham gia. Hy vọng thời gian tới số người tham gia sẽ tiếp tục tăng lên, để chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Ðảng, Nhà nước sẽ lan toả sâu rộng hơn trong Nhân dân”./.
Hằng My - Phương Du