Tết cổ truyền 2017 của dân tộc đang đến gần, trong những ngày này, bà con làng nghề dệt chiếu truyền thống Tân Thành, TP Cà Mau đang tất bật, chạy đua với thời gian, bắt tay vào mùa dệt chiếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ðinh Dậu 2017.
Làng chiếu Tân Thành ngày nay bao gồm phường Tân Thành và xã Tân Thành, hiện còn duy trì hơn 100 hộ. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Thành có 62 hộ, với hơn 300 lao động làm nghề dệt chiếu truyền thống. Ðể giúp người dân phát triển nghề dệt chiếu, thời gian qua chính quyền, Hội Nông dân, Hội LHPN địa phương đã vận động bà con nông dân tận dụng đất trống, đất phèn mặn để trồng lác và trồng bố, nên nguồn nguyên liệu tại chỗ đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất của bà con làng nghề.
Nông dân xã Tân Thành dệt chiếu Tết. |
Bước vào mùa dệt chiếu Tết năm nay, giá cả vật tư khá ổn định, hiện giá dây bố 80.000 đồng/kg, giá lác 6 triệu đồng/công, giá màu để nhuộm chiếu 40.000 đồng/ hộp…, tương đương với cùng kỳ năm trước, do vậy bà con rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Bà Trịnh Thị Chấm, ngụ Ấp 5, xã Tân Thành, chia sẻ: "Tết năm nay, bà con tới đặt mua chiếu nhiều, nên dệt bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Không khí làng nghề dệt chiếu năm nay thấy phấn khởi, tiêu thụ 1 đôi được 400.000 đồng”.
Thời gian qua, do phải cạnh tranh với một số sản phẩm: chiếu tre, chiếu trúc, chiếu ni-lon... làm cho nghề dệt chiếu có phần bị mai một. Nhưng người dân Tân Thành, với nghề dệt chiếu truyền thống vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục làm ra những chiếc chiếu vừa bền, vừa đẹp mang nét đặc trưng riêng, để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của quê hương.
Bà Ðặng Thị Ðầm, ngụ Ấp 5, xã Tân Thành, bộc bạch: “Tui dệt chiếu hồi 12 tuổi, đến khi có gia đình vẫn làm nghề này để nuôi các con ăn học và trưởng thành. Bây giờ lớn tuổi rồi thì truyền nghề lại cho con cho cháu tiếp tục với nghề”.
Bà Võ Thị Thoa, cùng ngụ tại Ấp 5, xã Tân Thành, cho biết thêm: "Chị em chúng tôi rất yêu nghề dệt chiếu, bởi đây là nghề truyền thống, chẳng những giúp chúng tôi có việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình, mà còn là nghề của ông cha để lại”.
Hiện nay, Hội LHPN xã Tân Thành kết hợp với các đoàn thể đã đứng ra thành lập được tổ dệt chiếu ở Ấp 5 gồm 10 hộ. Từ nguồn vốn của Chương trình “3 biết, 2 hỗ trợ”, bước đầu đã hỗ trợ 25 triệu đồng, giúp các hộ vay vốn để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất và đang tiến hành vận động thành lập thêm 2 tổ dệt chiếu nữa ở Ấp 3 và Ấp 6, nhằm thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Chị Trần Như Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành, thông tin: “Sắp tới, sẽ đề xuất đầu tư vốn thêm để tiếp tục duy trì làng nghề dệt chiếu truyền thống, tạo thêm thu nhập cho chị em phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.
Theo bà con, làm nghề dệt chiếu bình quân mỗi ngày 2 người dệt được 1 đôi chiếu, với giá cả như hiện nay dao động từ 350.000-400.000 đồng/đôi, sau khi trừ chi phí người dệt chiếu thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Nguồn thu nhập này tuy không cao, nhưng do lấy công làm lời, nghề dệt chiếu đã góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cải thiện cuộc sống và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn, đặc biệt là khơi dậy tiềm năng và sức lao động tại chỗ để duy trì làng nghề truyền thống của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trương Huỳnh Lãm nhận định: “Làng chiếu Tân Thành là nghề có nét đẹp truyền thống và đây cũng là mô hình góp phần cho kinh tế gia đình của nhiều hộ ổn định và phát triển. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục củng cố làng nghề truyền thống này, đồng thời tuyên truyền vận động những hộ làm nghề dệt chiếu tiếp tục giữ vững và phát huy nhiều hơn nữa”.
Ðến làng chiếu Tân Thành vào thời điểm này, một không khí lao động tất bật, từ các đường làng, ngõ xóm, cho đến những mảnh sân vườn, nơi đâu cũng rộn ràng, sôi nổi các hoạt động: phơi, chẻ, nhuộm nguyên vật liệu với những màu sắc rực rỡ. Bà con làng nghề dệt chiếu Tân Thành đang tích cực làm ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng vào thời điểm cuối năm và cũng chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc vui tươi, đầm ấm./.
Bài và ảnh: Ninh Hải