Sáng nay ngày 5/9 (nhằm ngày mùng 3/8 âm lịch), tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh; gia tộc họ Đỗ phối hợp cùng UBND xã Hòa Thành long trọng tổ chức lễ giỗ hai lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự.
- Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh
- Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân
Đây là lễ giỗ lần thứ 149, 99 năm ngày di dời hài cốt của hai bậc tiền nhân an vị tại đây và là năm thứ 19 tổ chức lễ cúng tại khu di tích.
Dự lễ có đại diện Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Bảo tàng tỉnh, chính quyền địa phương cùng đông đảo con cháu thân tộc dòng họ Đỗ và bà con xã Hoà Thành đến thành kính dâng hương tưởng nhớ.
Tại buổi lễ, đại diện chính quyền địa phương ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh hào hùng của hai vị lãnh đạo nghĩa quân. Qua đó, nhằm phát huy truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ con cháu ngày hôm nay đối với các bậc tiền nhân đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.
Đại biểu thành kính dâng hương tưởng nhớ hai vị lãnh đạo nghĩa quân.
Mâm cơm cúng đơn giản với những món ăn dân dã, quen thuộc.
Tiến sĩ Thái Văn Long, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Cà Mau, cho biết, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, sắp tới, Hội Khoa học lịch sử sẽ tổ chức hội thảo về cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân do hai vị Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự lãnh đạo. Để có được hội thảo đó, Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã chuẩn bị nội dung chương trình, trong đó có mời đại diện dòng họ Đỗ tham gia phát biểu và mời thân tộc hai vị cung cấp tư liệu để làm phong phú thêm nội dung hội thảo.
Đặc biệt, với thông tin ông Đỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử, Bảo tàng tỉnh cung cấp thêm một nhân vật trong câu hát, tiếng hò còn vang vọng ở xứ sở U Minh: “Xóm Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự/Ðỗ Thừa Luông, Ðỗ Thừa Tự với chú Lào Bang” - ông Lồng Ban chính là tên thường gọi của ông Hồng Vận Ban, đây là nguồn tư liệu để Hội Khoa học lịch sử tỉnh xác minh, sưu tập thêm và sẽ là một nội dung quan trọng của hội thảo.
Con cháu thân tộc cùng xem gia phả dòng họ Đỗ.
“Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã có văn bản trình Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch về việc lập tượng hoặc bia tưởng niệm ở các ngôi trường mang tên nhị vị Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự ngay trong khuôn viên trường để giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh”, Tiến sĩ Thái Văn Long cho biết thêm.
Cũng tại buổi lễ, ông Tạ Hoàng Nguyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Khoa học lịch sử tỉnh, đề nghị , với ý nghĩa lịch sử của Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự, ngay sau khi đầu tư xây dựng nhà truyền thống để làm nơi trưng bày hiện vật của hai vị, đồng thời nâng cấp, mở rộng khu tưởng niệm giai đoạn 2, các cơ quan liên quan có thể tiến hành quy trình làm hồ sơ đề nghị nâng hạng di tích quốc gia để tiếp tục phát huy giá trị và là nơi để tưởng nhớ, tri ân nhị vị.
Ông Đỗ Văn Hạnh, Trưởng ban tổ chức lễ giỗ, cho hay, chiều ngày 4/9, Ban khuyến học Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự đã trao 1 tấn gạo và 100 thùng mì cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và con cháu họ Đỗ có hoàn cảnh khó khăn. Riêng 10 suất học bổng, do năm nay lễ giỗ trùng với ngày khai giảng năm học mới nên ngay sau lễ, Ban khuyến học sẽ liên hệ trao tặng trực tiếp cho các em. /.
Hải Nguyên - Băng Thanh