ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 14:55:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Báo Cà Mau Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự được xây dựng khang trang, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho hế hệ trẻ.

Ông Sáu Sơn kể với giọng đầy tự hào vì bản thân ông cũng là hậu duệ của những nhà cách mạng tiêu biểu của dòng họ: Noi gương những anh hùng của nghĩa quân đấu tranh chống Pháp, nhà họ Ðỗ tiếp tục nối bước, cùng các nghĩa quân yêu nước và Nhân dân ở ven sông Cái Tàu, rừng U Minh, nổi dậy chống Pháp. Hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông (còn gọi là Long) và Ðỗ Thừa Tự (còn gọi là Thừa Ngươn), con ông Ðỗ Văn Nhân, cử nhân võ triều đình nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, gia đình ông ly tán tới miệt Lai Vung, Ðồng Tháp, sau lại xuôi đến vùng đất Cái Tàu, Cà Mau. Không khuất phục trước thực dân xâm lược, hai ông đã huy động hơn 600 nghĩa quân, lập chiến khu chống Pháp trên khu vực sông Cái Tàu. Năm 1872, nghĩa quân đã giữ vững một vùng đất rộng lớn, từ Cái Tàu đến An Biên, Kiên Giang. Ðể bảo vệ căn cứ vững chắc, tại rạch Hàn Lớn và rạch Hàn Nhỏ trên sông Cái Tàu, hai ông đã huy động Nhân dân hàn sông để ngăn tàu giặc.

“Hai vị đã chọn U Minh làm căn cứ kháng Pháp. Nghĩa quân sử dụng chiến thuật du kích khéo léo và lợi dụng địa thế hiểm trở của rừng U Minh nên đã lập được nhiều chiến công vang dội. Trong hơn 4 năm (1871-1875), nghĩa quân dưới sự chỉ huy của hai thủ lĩnh trẻ đã đánh nhiều trận ác chiến, thu được vũ khí, trong đó có cả đại bác, góp phần cải thiện về trang bị vũ khí của nghĩa quân. Quân ta đã giết chết tên Ô-san-giơ và tên Tri huyện Phan Tử Long, đây là hai tên cướp nước, bán nước đầu tiên bị tiêu diệt trên đất Cà Mau”, ông Sáu Sơn thông tin thêm.

Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (bìa trái) và ông Ðỗ Văn Trình thắp hương mộ hai vị lãnh đạo nghĩa quân.

Năm 1875, Pháp tập trung xuống phương Nam, truy lùng và tấn công vào căn cứ. Nghĩa quân tan rã, hai lãnh đạo nghĩa quân bị bắt. Ngày 3/8/1875, thực dân Pháp đưa hai ông ra xử tử hình tại huyện Châu Thành, tỉnh Hà Tiên. Cảm phục trước hai vị lãnh đạo trẻ tuổi, người dân bí mật lấy xác hai ông chôn tại ấp Tân Yên, làng An Xuyên, huyện Châu Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là Cà Mau). Về sau, con cháu di táng phần mộ, an táng phía sau vườn nhà người cháu đời thứ 6, là ông Ðỗ Văn Trình, nơi toạ lạc của di tích hiện nay.

Tiếp lời kể ông Sáu Sơn, ông Ðỗ Văn Trình (92 tuổi) thông tin, hai ngôi mộ của hai vị được con cháu trong dòng họ sửa sang từ mộ đất thành mộ xi măng, rồi tiếp tục tôn tạo để ngày thêm khang trang hơn, theo lối “tứ đại thất thiên”. Do hai ông hy sinh cùng ngày nên mộ xây giống nhau, từ ngoài nhìn vào, bên trái là mộ ông Ðỗ Thừa Luông, bên phải là mộ ông Ðỗ Thừa Tự. Cổng vào khu mộ có đôi liễn đối: “Kiều mộc thiên chi qui nhất bổn/Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên”. Theo ông Ðỗ Văn Trình, nghĩa của đôi liễn là cây quý nghìn cành cùng một cội, sông dài vạn nhánh vẫn chung nguồn.

Năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký Quyết định số 1197/QÐ-UBND công nhận khu tưởng niệm này là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp và ông Ðỗ Văn Trình mong các thế hệ con cháu sẽ tiếp nối truyền thống cách mạng, gìn giữ và phát huy di tích.

Ðến nay, ở xứ sở U Minh vẫn còn vang vọng những câu hát, tiếng hò: “Xóm Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự/Ðỗ Thừa Luông, Ðỗ Thừa Tự với chú Lào Bang”. Ðể ghi nhớ và tri ân công lao của hai vị lãnh đạo nghĩa quân, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, tại Phường 1, TP Cà Mau có hai con đường mang tên Ðỗ Thừa Luông, Ðỗ Thừa Tự và một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia mang tên Ðỗ Thừa Luông. Tại huyện U Minh, căn cứ nghĩa quân năm xưa, cũng đã xây dựng hai ngôi trường tiểu học mang tên Ðỗ Thừa Luông và Ðỗ Thừa Tự.

“Ðiều này minh chứng rằng, các thế hệ bây giờ vẫn luôn ghi nhớ chiến công của cha ông. Hằng năm, đến ngày 3/8 âm lịch, rất nhiều thế hệ học sinh, con cháu dòng họ đến đây để viếng lễ giỗ, thắp hương. Ðặc biệt, khi được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, được đầu tư xây dựng công trình khang trang thì đây là niềm tự hào của quê hương Hoà Thành và cũng là niềm tự hào của Nhân dân Cà Mau, khắc ghi chiến công oanh liệt của cha ông mình trong thời kháng chiến chống Pháp”, ông Sáu Sơn tâm đắc.

Dù đã 92 tuổi nhưng ông Đỗ Văn Trình vẫn ngày ngày chăm sóc tốt cho di tích. Ông luôn nhắc nhở thế hệ con cháu noi gương các vị tiền nhân, phấn đấu học tập, góp sức xây dựng quê hương.

Năm 2010, con cháu, thân tộc họ Ðỗ xây dựng “Dòng họ Khuyến học” và thành lập “Quỹ Khuyến học Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự”. Ðây là Dòng họ Khuyến học đầu tiên trong tỉnh. Anh Ðỗ Thái Khang, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Hoà Thành, Trưởng ban Khuyến học dòng họ Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (thuộc Hội Khuyến học xã Hoà Thành), cho biết, mặc dù hoạt động khuyến học của dòng họ đã có từ lâu và hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau theo các hộ gia đình, nhưng đến năm 2014, Ban Khuyến học dòng họ Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự mới chính thức được thành lập theo sự chỉ đạo của Hội khuyến học các cấp, mà trực tiếp là cấp xã. Ban Khuyến học dòng họ Ðỗ cũng lấy ngày 3/8 âm lịch hằng năm để tổng kết năm hoạt động của mình. Chỉ tính từ năm 2017-2023, ban khuyến học này đã xuất quỹ trao tặng quà và học bổng học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong dòng tộc với tổng trị giá hơn 78 triệu đồng (gồm 7 ngàn quyển tập, 30 suất học bổng và 11 chiếc xe đạp)./.

 

Băng Thanh - Hoàng Vũ

 

Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.