ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 17-7-25 01:34:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bạc Liêu 50 năm: Từ chiến trường đến những công trình thế kỷ

Báo Cà Mau

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối - hành trình 50 năm là một bản hùng ca về ý chí kiên cường, sức sáng tạo và khát vọng vươn lên của Bạc Liêu khi đã biến những vùng đất từng nhuốm màu khói lửa thành những công trình, dự án mang tầm vóc thế kỷ, làm thay đổi diện mạo quê hương một cách ngoạn mục.

Người dân Bạc Liêu hướng về 50 năm Ngày miền Nam giải phóng, đất nước trọn niềm vui.

Những năm tháng hào hùng

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Bạc Liêu là một trong những địa bàn trọng yếu, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, ghi dấu sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ cha anh. Mảnh đất này với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và những cánh rừng ngập mặn đã trở thành nơi che chở, nuôi dưỡng các lực lượng vũ trang và là địa bàn hoạt động của nhiều cơ sở cách mạng quan trọng.

Nhiều trận đánh tiêu biểu đã đi vào lịch sử như những minh chứng cho tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Bạc Liêu. Các căn cứ cách mạng, như: Căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân) - đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, Căn cứ Thị ủy Bạc Liêu, Căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi... là những “địa chỉ đỏ”, nơi Xứ ủy Nam Bộ, Tỉnh ủy và các đơn vị vũ trang trú đóng, chỉ đạo phong trào cách mạng, tổ chức các trận đánh làm tiêu hao sinh lực địch. Những trận chống càn tại Vĩnh Hưng, Châu Hưng; trận tập kích vào chi khu Phước Long, trận tập kích cụm đồn Cây Dương, trận tập kích Trại tạm giam Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 ngụy; trận phục kích đánh địch càn quét của du kích xã Phong Thạnh (huyện Giá Rai)... đã góp phần làm phá sản các chiến lược chiến tranh của địch, giữ vững vùng giải phóng.

50 năm sau ngày kết thúc chiến tranh, nhiều địa danh xưa kia là chiến trường ác liệt, nay đã thay đổi hoàn toàn. Những cánh đồng từng là bãi chiến trường với bom cày, đạn xới, nay đã xanh mướt những vụ lúa bội thu, những vuông tôm trúng mùa. Những con đường mòn trong rừng nơi bộ đội ta từng hành quân, nay đã được thay thế bằng những tuyến lộ bê-tông, nhựa hóa phẳng lì, nối liền các vùng quê.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng từng chiến đấu tại mặt trận Vĩnh Lợi, chia sẻ: “Ngày xưa nơi đây là vùng trắng, địch càn quét liên miên. Chúng tôi phải dựa vào dân, dựa vào địa hình rừng rậm, kênh rạch để bám trụ, chiến đấu. Nhìn Bạc Liêu bây giờ đổi mới, đường sá khang trang, nhà cửa kiên cố, điện về tận nơi, tôi mừng lắm. Sự hy sinh của đồng đội không uổng phí”.

Cô, trò Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Hùng Vương - công trình văn hóa tiêu biểu của Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Hướng tới tương lai

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Bạc Liêu đã bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất và xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, trong những thập kỷ gần đây, nhất là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Bạc Liêu đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo nên những dấu ấn phát triển vượt bậc với hàng loạt công trình, dự án lớn, mang tầm vóc thế kỷ.

Trong lời tựa Hội thảo khoa học “Bạc Liêu 20 năm - Một chặng đường phát triển”, TS. Nhị Lê - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đã viết về Bạc Liêu: “Với vị thế tựa rừng, hướng biển, Bạc Liêu mang trong mình sự phóng khoáng, anh hùng, lòng nhân hậu, tinh thần nghĩa hiệp, sự bao dung, đức cần cù và một khát vọng trẻ trung mãnh liệt. Tất cả những điều đó đã hun đúc nên khí phách, cốt cách và bản lĩnh cho hơn 88 vạn đồng bào các dân tộc nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc, tạo nên một triết lý phát triển rất riêng cho mảnh đất trẻ trung này”.

Tám nhà máy điện gió đang vận hành ở Bạc Liêu, với tổng công suất 469,2MW - ước tính lượng điện này đủ dùng cho khoảng 500.000 hộ gia đình sinh hoạt bình thường trong một năm, có thể nói, đây là những công trình biểu tượng cho sự vươn lên và tầm nhìn chiến lược của tỉnh. Từ một vùng ven biển hoang sơ, những tua-bin gió khổng lồ vươn mình trên biển không chỉ cung cấp nguồn năng lượng sạch quan trọng, đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia mà còn trở thành điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo nên một hình ảnh Bạc Liêu năng động, hiện đại và tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo.

Tỉnh cũng đang kiến nghị Trung ương quan tâm tháo gỡ một số vướng mắc để dự án Nhà máy Điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu sớm khởi công. Dự án của nước ngoài đầu tư với số vốn lên đến hàng tỷ USD, khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo an ninh năng lượng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và tạo hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu chính là lời khẳng định vị thế “thủ phủ tôm” của cả nước. Dự án sắp hoàn thành giai đoạn 2 này là minh chứng cho sự chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, hướng đến bền vững, hiệu quả và giá trị gia tăng cao. Việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, chế biến tôm đã nâng tầm thương hiệu tôm Bạc Liêu, góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và cả nước.

Vùng đất cận kề “nơi cuối trời” còn nổi bật với các công trình văn hóa, hạ tầng đô thị. Quảng trường Hùng Vương bề thế, Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là Nhà hát 3 nón lá) với kiến trúc độc đáo đều đã trở thành điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các tuyến đường giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A mở rộng, Quốc lộ Nam sông Hậu, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, hệ thống cầu, kè kiên cố, các khu dân cư, trung tâm thương mại, khu liên hợp thể dục - thể thao... đã làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị và nông thôn, tạo sự kết nối thuận lợi, thúc đẩy giao thương và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

50 năm sau ngày giải phóng, Bạc Liêu không chỉ tự hào về quá khứ hào hùng mà còn vững tin bước vào tương lai. Từ một chiến trường xưa, mảnh đất này đã thật sự “thay da đổi thịt” nhờ những “công trình thế kỷ”, nhờ sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân. Hành trình phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng với nền tảng vững chắc được xây dựng từ hôm qua và hôm nay, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Bạc Liêu chắc chắn sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới, trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, xứng đáng là một điểm sáng trên bản đồ phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Nguyễn Quốc

Đại lễ 30/4 - Đất nước trọn niềm vui

​Chúng ta đang cùng nhau sống lại những giờ phút lịch sử trọng đại, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Mốc son chói lọi này đang được khắc sâu trong tim mỗi người con đất Việt, và niềm xúc động ấy lan tỏa diệu kỳ trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt rực cháy tại TP. Hồ Chí Minh - thành phố vinh dự và tự hào được mang tên vị lãnh tụ kính yêu.

Huyện Vĩnh Lợi: Sôi nổi chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5), huyện Vĩnh Lợi đã tổ chức Giải đua xuồng ba lá năm 2025 trong không khí phấn khởi, sôi nổi và đậm đà bản sắc văn hóa Nam Bộ.

Viết tiếp truyền thống vùng đất anh hùng - vững bước hội nhập và phát triển cùng đất nước

Cách đây 50 năm, ngày 30/4/975, Bạc Liêu giành lại chính quyền, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc cho Nhân dân.

Bạc Liêu 50 năm: Từ chiến trường đến những công trình thế kỷ

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối - hành trình 50 năm là một bản hùng ca về ý chí kiên cường, sức sáng tạo và khát vọng vươn lên của Bạc Liêu khi đã biến những vùng đất từng nhuốm màu khói lửa thành những công trình, dự án mang tầm vóc thế kỷ, làm thay đổi diện mạo quê hương một cách ngoạn mục.

Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng

​Bạc Liêu có nhiều vùng đất từng là chiến trường ác liệt, oằn mình dưới mưa bom bão đạn, nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước đã trở thành những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cuộc sống người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ vững truyền thống cách mạng và hướng tới phát triển bền vững.

Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu

Những ngày này, cả nước đang hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong dòng chảy lịch sử đặc biệt ấy, có một thế hệ được sinh ra đúng vào thời khắc thiêng liêng của dân tộc.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta.

50 năm - Bạc Liêu chuyển mình theo sự phát triển của đất nước

​(Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tại họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh giải phóng tỉnh Bạc Liêu (30/4/1975) không đổ máu

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bạc Liêu là kết quả của quá trình lãnh đạo của Đảng bộ trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác đại đoàn kết dân tộc một cách tài tình và xuất sắc, phối hợp chặt chẽ lực lượng tôn giáo, dân tộc và cách mạng trong các ngày của tháng Tư lịch sử để Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu giành lại chính quyền từ tay chính quyền Sài Gòn sớm hơn các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long và không đổ thêm máu.

Những thắng lợi tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận là những nét đặc sắc tiêu biểu.