ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 17-7-25 01:47:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu

Báo Cà Mau

Những ngày này, cả nước đang hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong dòng chảy lịch sử đặc biệt ấy, có một thế hệ được sinh ra đúng vào thời khắc thiêng liêng của dân tộc. Họ là những chứng nhân sống động của hòa bình, lớn lên và trưởng thành cùng nhịp đập của công cuộc đổi mới, chứng kiến và góp phần vào sự “thay da, đổi thịt” từng ngày của quê hương, đất nước.

Bài viết này xin giới thiệu chân dung hai đại diện tiêu biểu: nhà báo Lê Tuấn Kiệt - hiện công tác tại Thông tấn xã Việt Nam và Tiến sĩ Nguyễn Phước Hoàng - giảng viên Trường đại học Bạc Liêu. Một người sinh ra, lớn lên ở Bạc Liêu, một người gắn bó với vùng đất này gần 30 năm, cả hai đã nỗ lực không ngừng, vươn lên và có những đóng góp tích cực trong lĩnh vực báo chí và giáo dục.

Ngòi bút đau đáu với “tam nông” và phận người

Sinh ra tại huyện Tam Bình (Vĩnh Long), cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lê Tuấn Kiệt gắn bó mật thiết với mảnh đất Bạc Liêu, nơi anh đã chọn làm quê hương thứ hai để dấn thân và cống hiến.

Những năm tháng gắn bó với Đài PT-TH Bạc Liêu là thời kỳ Lê Tuấn Kiệt tạo dựng được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả và đồng nghiệp. Anh được biết đến qua những phóng sự truyền hình gai góc, đi thẳng vào các vấn đề nóng bỏng của xã hội nhưng thấm đẫm tính nhân văn. Ngòi bút của anh thường hướng về số phận con người, đặc biệt là những nông dân chân lấm tay bùn, những mảnh đời yếu thế.

Nhà báo Lê Tuấn Kiệt phỏng vấn ông Danh Ía - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân).

Phóng sự “Gay gắt cuộc chiến mặn - ngọt”, ra đời trong bối cảnh hạn hán khốc liệt tại TX. Giá Rai, khi “đất khô nứt nẻ, lúa chết khô, chết cháy, nông dân ngồi chống cằm lo âu, thấy tội nghiệp”, đã xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn quốc. Nhiều tác phẩm khác như: “Tiếng vọng từ những vạt rừng” hay phim tài liệu “Không còn là chuyện của ngày mai” đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về môi trường, biến đổi khí hậu, chạm đến trách nhiệm cộng đồng.

Tháng 10/2021, nhà báo Lê Tuấn Kiệt chuyển công tác sang cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, tiếp tục hành trình làm báo, bám sát hơi thở cuộc sống trên chính mảnh đất Bạc Liêu mà anh đã gắn bó.

Động lực lớn lao giúp nhà báo Lê Tuấn Kiệt luôn trăn trở và viết đầy cảm xúc về đề tài “tam nông” và những phận người đến từ chính gốc rễ của anh. Dưới lăng kính của một nhà báo luôn đau đáu với cuộc sống người dân và là thành viên của thế hệ trưởng thành cùng công cuộc đổi mới, anh chứng kiến và cảm nhận rõ rệt sự “thay da đổi thịt” của quê hương Bạc Liêu, từ diện mạo đô thị, nông thôn đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Anh thấy mình may mắn được sống, làm việc, đóng góp và chứng kiến Bạc Liêu vượt qua bao khó khăn để vươn lên, hòa nhịp cùng sự phát triển chung.

Anh tâm niệm: “Phải có sự dấn thân, đồng cảm, chia sẻ thì mới viết được, viết thành công về những phận người, phận đời. Phóng viên phải đi, phải lăn lộn với đời sống xã hội”. Với anh, nghề báo mang đến niềm vui được khám phá, được “kể những câu chuyện mà người khác chưa có điều kiện thực hiện”.

Vượt khó “gieo chữ”, vun đắp tương lai

Tiến sĩ Nguyễn Phước Hoàng hiện là Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Sư phạm, Trường đại học Bạc Liêu - một thầy giáo mẫu mực, tâm huyết, luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Hành trình đến với bục giảng của Tiến sĩ Nguyễn Phước Hoàng là một minh chứng cho ý chí và nghị lực vượt khó. Được sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo, vượt lên hoàn cảnh thiếu thốn, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã trở thành một trong 2 người đầu tiên của xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) thi đậu vào đại học. Thành tích này không chỉ là niềm tự hào của gia đình, dòng họ mà còn thắp lên ngọn lửa hiếu học, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vươn lên cho biết bao thế hệ học trò nơi vùng quê nghèo khó.

Đồng chí Nguyễn Phước Hoàng (thứ hai từ phải sang) được bầu làm Bí thư Chi bộ Khoa Sư phạm nhiệm kỳ 2025 - 2027. Ảnh: N.Q

Sự nghiệp “gieo chữ” của anh chính thức bắt đầu tại Trường cao đẳng Sư phạm Bạc Liêu (tiền thân của Trường đại học Bạc Liêu ngày nay). Mang trong mình khát vọng nâng cao tri thức và cống hiến nhiều hơn cho giáo dục, anh không ngừng học tập, nghiên cứu. Sự kiên trì và nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn - Tiếng Việt. Dù ở cương vị giảng viên hay sau này là cán bộ quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Phước Hoàng luôn dành trọn tâm huyết cho công tác đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ giáo viên tương lai, không chỉ cho Bạc Liêu mà còn cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong công tác giảng dạy, anh không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn mong muốn lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, giá trị của hòa bình và định hướng lý tưởng đúng đắn cho sinh viên. Anh thấy mình “có duyên được đứng lớp giảng dạy môn Văn học Việt Nam”, môn học mà anh xem là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. “Từng bài dạy về đề tài chiến tranh trong quá khứ, một thời oanh liệt, hào hùng chống ngoại xâm..., đã khơi lên bao cảm xúc và làm bừng sáng lên những trang thơ văn đầy ấn tượng đối với thế hệ trẻ hôm nay. Từ đó, góp phần giúp người học nhận thức được giá trị của hòa bình, sự phát triển của đất nước, để sinh viên tiếp nối sự nghiệp cách mạng, phục vụ quê hương, Tiến sĩ Nguyễn Phước Hoàng cho biết,

Sinh ra đúng vào năm 1975 lịch sử, Tiến sĩ Nguyễn Phước Hoàng cảm nhận: “Tinh thần chiến thắng ngày 30/4/1975 mãi là động lực lớn lao để hun đúc, cổ vũ cho tôi và thế hệ trẻ càng hăng say, nhiệt huyết hơn trong từng nhiệm vụ của mình, góp phần cho công cuộc xây dựng đất nước, quê hương càng thêm giàu mạnh, phát triển ổn định, vững bền”.

Qua câu chuyện về hành trình phấn đấu và cống hiến của 2 nhân vật nêu trên, bài viết mong muốn khắc họa rõ nét hơn sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên và những đóng góp thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của thế hệ sinh năm 1975, những người đã thật sự “trưởng thành cùng quê hương đổi mới” trên mảnh đất Bạc Liêu thân yêu!

Nguyễn Quốc

Đại lễ 30/4 - Đất nước trọn niềm vui

​Chúng ta đang cùng nhau sống lại những giờ phút lịch sử trọng đại, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Mốc son chói lọi này đang được khắc sâu trong tim mỗi người con đất Việt, và niềm xúc động ấy lan tỏa diệu kỳ trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt rực cháy tại TP. Hồ Chí Minh - thành phố vinh dự và tự hào được mang tên vị lãnh tụ kính yêu.

Huyện Vĩnh Lợi: Sôi nổi chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5), huyện Vĩnh Lợi đã tổ chức Giải đua xuồng ba lá năm 2025 trong không khí phấn khởi, sôi nổi và đậm đà bản sắc văn hóa Nam Bộ.

Viết tiếp truyền thống vùng đất anh hùng - vững bước hội nhập và phát triển cùng đất nước

Cách đây 50 năm, ngày 30/4/975, Bạc Liêu giành lại chính quyền, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc cho Nhân dân.

Bạc Liêu 50 năm: Từ chiến trường đến những công trình thế kỷ

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối - hành trình 50 năm là một bản hùng ca về ý chí kiên cường, sức sáng tạo và khát vọng vươn lên của Bạc Liêu khi đã biến những vùng đất từng nhuốm màu khói lửa thành những công trình, dự án mang tầm vóc thế kỷ, làm thay đổi diện mạo quê hương một cách ngoạn mục.

Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng

​Bạc Liêu có nhiều vùng đất từng là chiến trường ác liệt, oằn mình dưới mưa bom bão đạn, nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước đã trở thành những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cuộc sống người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ vững truyền thống cách mạng và hướng tới phát triển bền vững.

Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu

Những ngày này, cả nước đang hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong dòng chảy lịch sử đặc biệt ấy, có một thế hệ được sinh ra đúng vào thời khắc thiêng liêng của dân tộc.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta.

50 năm - Bạc Liêu chuyển mình theo sự phát triển của đất nước

​(Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tại họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh giải phóng tỉnh Bạc Liêu (30/4/1975) không đổ máu

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bạc Liêu là kết quả của quá trình lãnh đạo của Đảng bộ trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác đại đoàn kết dân tộc một cách tài tình và xuất sắc, phối hợp chặt chẽ lực lượng tôn giáo, dân tộc và cách mạng trong các ngày của tháng Tư lịch sử để Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu giành lại chính quyền từ tay chính quyền Sài Gòn sớm hơn các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long và không đổ thêm máu.

Những thắng lợi tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận là những nét đặc sắc tiêu biểu.