Dạy và học lịch sử đang là vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Ngành giáo dục vẫn loay hoay tìm ra một cách dạy tối ưu nhất để môn học này tìm lại giá trị đích thực của mình. Riêng mảng lịch sử truyền thống địa phương, những trăn trở càng lớn hơn.
Dạy và học lịch sử đang là vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Ngành giáo dục vẫn loay hoay tìm ra một cách dạy tối ưu nhất để môn học này tìm lại giá trị đích thực của mình. Riêng mảng lịch sử truyền thống địa phương, những trăn trở càng lớn hơn.
Ở Cà Mau, việc tiếp cận của giới trẻ, học sinh, sinh viên với lĩnh vực này còn hạn chế. Nguyên nhân thì có nhiều, nên nếu không có những hành động tích cực, rất có thể đây là khoảng trống sẽ để lại nhiều hệ luỵ. Không quan tâm đến những giá trị truyền thống, thiếu hiểu biết về chính vùng đất của mình, thế hệ trẻ Cà Mau khó lòng có được hành trang tốt nhất cho tương lai.
Cô, trò Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, phường 2, TP Cà Mau cùng ôn lại tiểu sử anh hùng của thầy giáo Anh hùng LLVTND Phan Ngọc Hiển. |
Đại tá Võ Hà Đô, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau, thành viên Hội Khoa học Lịch sử Cà Mau, cho biết: “Đất nước ta, trong đó có Cà Mau, từ thời khẩn hoang mở đất, lập quốc đã trải qua nhiều biến cố. Hiểu biết lịch sử là hiểu biết về nguồn cội, đúng với đạo lý truyền thống của dân tộc”.
Ở Cà Mau, lịch sử địa chí, lịch sử đảng bộ, các tập lịch sử nghiên cứu chuyên ngành về lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, tổng hợp các trận đánh, lịch sử đảng bộ các địa phương… đã tạo nên một hệ thống tương đối lớn các kiến thức lịch sử. Công trình nào cũng vì mục đích vô cùng tốt đẹp, là những hiểu biết quý báu cho những thế hệ tiếp nối.
Qua công tác nghiên cứu lịch sử, biên soạn các công trình lịch sử và trực tiếp truyền lại hiểu biết, cảm hứng lịch sử cho thế hệ trẻ, Đại tá Võ Hà Đô tâm sự: “Giáo dục truyền thống, hiểu biết lịch sử cho thế hệ trẻ là một trong các nhiệm vụ lớn của hội. Chúng tôi thấy các bạn trẻ hiện tại có nhiều điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử. Đáng nói hơn, nhiều bạn rất say mê lịch sử, có những am hiểu sâu sắc về lịch sử tỉnh nhà”.
Khi tỉnh Cà Mau tổ chức các cuộc thi về lịch sử, số lượng tham gia nhiều và chất lượng rất cao. Hội cựu chiến binh trong nhiều năm qua phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn, các đơn vị lực lượng vũ trang để tổ chức những chuyến về nguồn, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, hoặc giao lưu bằng các chuyên đề lịch sử trong các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của địa phương…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Đại tá Võ Hà Đô: “Việc tiếp cận lịch sử địa phương của thế hệ trẻ tỉnh nhà nhìn chung thiếu tính hệ thống, còn khiếm khuyết nhiều mảng tư liệu quan trọng. Cách phổ biến, tuyên truyền, điều kiện tiếp cận của giới trẻ với các công trình lịch sử còn hạn chế”. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhiều công trình lịch sử được biên soạn nhưng không đặt trong một chỉnh thể chung.
Sách địa chí, sách lịch sử về vùng đất, văn hoá, con người, tập tục sinh hoạt còn thiếu và chưa có những đầu sách nghiên cứu chuyên sâu. Các đầu sách thường biên soạn theo mốc sự kiện, chưa có những biến đổi linh hoạt, hấp dẫn, sức thu hút vì thế cũng không như kỳ vọng. Sách về lịch sử địa phương ở các nhà trường thì thiếu và chưa nhận được sự quan tâm của học sinh. Kèm theo đó là cách dạy - học lịch sử có phần cứng nhắc, nhiều khi khô khan, nặng nề, làm thui chột đi niềm đam mê học tập, khám phá của thế hệ trẻ.
Đại tá Võ Hà Đô khẳng định: “Muốn thay đổi thì cần làm rất nhiều việc. Trước hết là hệ thống các đầu sách, công trình nghiên cứu chất lượng. Phải thay đổi cách dạy và học lịch sử, đặc biệt là việc tìm hiểu lịch sử địa phương. Không thể học lịch sử một cách chung chung, nhưng khi hỏi về Cà Mau thì không biết điều gì. Phải khơi dậy tinh thần đam mê, ham học hỏi của lớp trẻ, giúp các bạn thấy được lợi ích to lớn của việc học lịch sử đối với nhân cách, kiến thức, trí tuệ và sự nghiệp sau này”.
Ông cũng mạnh dạn đề xuất: “Nên bắt đầu từ các trường, lực lượng đoàn viên và các đơn vị vũ trang. Các cuộc hội thảo cũng cần được tổ chức, tập hợp được trí tuệ, hiểu biết của nhiều người để soạn thảo những công trình lịch sử có chất lượng, có giá trị lâu bền”.
Đại tá Võ Hà Đô gởi gắm: “Vùng đất trẻ Cà Mau vẫn là mảnh đất hấp dẫn với các công trình lịch sử, thế hệ trẻ cần xác định lại tâm thế của mình, xây dựng được nền tảng kiến thức để có thể vững vàng làm chủ trong tương lai, hoàn thành tâm nguyện của thế hệ cha ông”. Đây là hành trang quý báu để tuổi trẻ Cà Mau bước vào tương lai với những kỳ vọng lớn lao./.
Bài và ảnh: Quốc Rin