(CMO) Mức chi trả khá hậu hĩnh từ Youtube làm không ít người chấp nhận từ bỏ công việc để trở thành một Youtuber. Bên cạnh những video có nội dung lành mạnh, thông điệp ý nghĩa, dạo gần đây, nhiều kênh có nội dung nhảm nhí, không được đầu tư, thậm chí dùng chiêu trò gây sốc.
Cầm máy lên quay là thành Youtuber?
Với hàng triệu lượt truy cập và đăng ký trên kênh, nhiều Youtuber (người sáng tạo nội dung trên nền tảng Youtube) cũng một đêm trở thành “hiện tượng” khi được công chúng chú ý. Những tưởng đây là công việc có thể dễ dàng hái ra tiền, nhưng trên thực tế nó đòi hỏi sự sáng tạo, lao động trí óc không thua bất kỳ ngành nghề nào. Bên cạnh đó, một Youtuber để thu hút lượt người theo dõi cần phải có quá trình dài để xây dựng nội dung, đầu tư hình ảnh để người xem không nhàm chán, đảm bảo lượt xem đều đặn, liên tục.
Mới đây nhất, câu chuyện lùm xùm xung quanh cây ATM gạo tại TP Hồ Chí Minh đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những tranh cãi về vấn đề “của cho và cách cho” thì cư dân mạng lại vô cùng bức xúc trước đoạn clip của một Youtuber ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc, cùng những lời bình luận dè bỉu, bôi nhọ danh dự nhân vật chính trong sự việc.
Đa phần mọi chỉ trích đều hướng về nam thanh niên quay lại đoạn clip, khi anh này hoàn toàn không tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh của cô gái nhận gạo mà tự cho mình cái quyền rêu rao, tung hình ảnh của người khác lên mạng xã hội để những “anh hùng bàn phím” tấn công.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, những thanh niên tự xưng mình là Youtuber, phục kích, giám sát hoạt động của các ATM gạo, hay lao vào đám tang của các nghệ sĩ nổi tiếng để livestream, thậm chí kéo nhau đến hiện trường vây bắt tội phạm để quay hình đăng tải lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật có phải là Youtuber? Phải chăng việc quản lý lỏng lẻo nội dung khiến Youtube đang vô tình khuyến khích mọi người cầm máy quay đi mọi nơi, làm mọi thứ chỉ vì mục đích kiếm tiền và tham vọng trở thành những “Youtuber triệu view”.
Nhiều người tranh thủ khai thác những hoạt động cá nhân của người nổi tiếng rồi phát lên Youtube, liệu có được gọi là Youtuber? (ảnh chụp màn hình). |
Cris Phan (tài khoản CrisDevilGamer) là một trong những Youtuber với hơn 8 triệu người theo dõi vừa chia sẻ bài đăng trên kênh cá nhân về thực trạng này. Chúng tôi xin được trích dẫn chia sẻ đang nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng: "Youtuber là những người sáng tạo nội dung có mục đích, còn những người livestream đám tang, hay quay hình truy bắt cướp mục đích của họ là gì? Nếu như nói họ chia sẻ thông tin thì nhiệm vụ này rõ ràng không phải dành cho Youtuber mà là công việc của các cơ quan báo chí. Nếu như đó là mục đích kiếm tiền hay mưu cầu sự nổi tiếng thì phải xét lại đạo đức của những người này. Trên thực tế, tại Việt Nam, Youtube trả tiền rất thấp, chưa kể sắp tới đây an ninh mạng sẽ vào cuộc, và chắc chắn những clip có nội dung độc hại sẽ có hình thức xử phạt thẳng tay. Còn đối với người xem, những video đó chẳng ích lợi gì, thậm chí còn khiến chúng ta tiếp nhận những thông tin sai lệch, vì thế mọi người hãy chung tay để cho môi trường Youtube càng ngày sạch, đẹp hơn".
Chọn lọc nội dung xem trên Youtube
Trên thực tế, cộng đồng người xem Youtube tại Việt Nam đa phần là những người trẻ, những nội dung gây sốc phản cảm, hay thử thách, trò đùa nguy hiểm vẫn xuất hiện nhan nhản trên nền tảng này và sẽ thật khó lường hậu quả khi nội dung này âm thầm ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của những người trẻ.
“Dễ dàng nhận thấy hiện nay, các Youtuber thường dùng hình ảnh, từ khoá giật gân để câu kéo người xem, nhưng nó sẽ có tác dụng khi nội dung của video đó hay và sẽ phản tác dụng khi cố tình làm lố, dùng chiêu trò. Dù cho có sở hữu lượt xem khủng nhưng rồi qua thời gian, những nội dung như vậy cũng bị người xem tẩy chay”, bạn Nguyễn Thanh Bảo (Phường 9, TP Cà Mau) cho biết.
Đồng quan điểm trên, bạn Trương Huyền Trân (Phường 5, TP Cà Mau) chia sẻ: “Đối với những người trẻ hiện nay, việc chọn lọc nội dung để xem trên Youtube vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ, thời gian tới, pháp luật của nước ta sẽ có những biện pháp xử lý cứng rắn hơn đối với nội dung nguy hiểm”.
Nhằm chống lại các video có nội dung "bẩn", Youtube phải thay đổi chính sách kiếm tiền. Cụ thể, Youtube yêu cầu kênh phải đủ 4.000 giờ xem trong 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký (Sub) để có thể bật tính năng kiếm tiền. Đây có thể xem là biện pháp mạnh tay nhằm siết chặt quản lý nội dung trên Youtube, đồng thời sẽ công bằng hơn cho những Youtuber chân chính./.
Điều 101, Nghị định 15/2020 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dich điện tử quy định, người thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Đây cũng là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cung cấp, chia sẻ thông tin cổ suý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, các thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc đều sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. |
Hữu Nghĩa