(CMO) Toàn tỉnh có 30 giáo viên dạy chữ Khmer. Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân tộc tỉnh với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, TP Cà Mau, hè năm 2022, tỉnh đã tổ chức được 7 điểm dạy và học chữ Khmer, có 10 giáo viên đứng lớp, với 11 lớp học (8 lớp 1 và 3 lớp 2), hơn 174 học sinh. Thời gian học 1,5 tháng.
Riêng đối với việc dạy chữ Hoa tại Trung tâm tiếng Hoa Dục Tài (Phường 2, TP Cà Mau), các lớp vẫn được duy trì dạy học thường xuyên, liên tục, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19; có 8 giáo viên tham gia giảng dạy. Hiện có 5 lớp, học vào mỗi tối các ngày trong tuần, cơ sở vật chất luôn đảm bảo đủ điều kiện dạy và học, giáo trình dạy theo sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Tại hội nghị tổng kết công tác dạy và học chữ Hoa, chữ Khmer hè năm 2022 vào chiều 21/10, Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng 2 tập thể và 10 cá nhân có thành tích trong công tác này. Ảnh: Ông Trần Hoàng Nhỏ, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh trao giấy khen cho 2 tập thể. |
Các lớp dạy chữ Hoa, chữ Khmer hè đã trang bị cho các em học sinh nắm vững kỹ năng đọc và viết được những câu từ thông dụng, có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình. Qua đó, giúp các em nâng cao kiến thức, hiểu biết về phong tục, tập quán và bảo tồn, giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của dân tộc.
Lớp được tổ chức dạy và học một cách nghiêm túc, giáo viên nhiệt tình giảng dạy, học sinh chuyên cần học tập; thường xuyên kiểm tra chất lượng học tập, có xếp loại kết quả học tập, tổng kết khen thưởng nhằm khuyến khích, động viên tinh thần để các em cố gắng vươn lên học tập và nỗ lực hơn nữa trong năm học tiếp theo.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Thuật (bên phải) và Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Thành Niệm trao giấy khen cho các cá nhân. |
Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết công tác dạy và học chữ Hoa, chữ Khmer hè năm 2022 được Ban Dân tộc tỉnh tổ chức chiều 21/10, các đại biểu cho rằng, việc dạy chữ Khmer hè năm nay rút ngắn thời gian chỉ còn 1,5 tháng, không thể chuyển tải hết nội dung bài học theo chương trình sách giáo khoa giảng dạy chữ Khmer.
Bên cạnh đó, lực lượng giáo viên dạy chữ Khmer hè còn thiếu ở các địa phương, vùng có đông đồng bào Khmer, từ đó phát sinh việc 1 giáo viên phải dạy 2 lớp ở 2 điểm khác nhau, làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng dạy và học; công tác vận động, khuyến khích con em đồng bào Khmer học chữ Khmer hè một số nơi chưa đạt hiệu quả, các em đi học chưa đều; giáo viên giảng dạy chữ Khmer đa phần là các vị sư, Achar vốn có hiểu biết về chữ Khmer nhưng còn hạn chế, gặp khó khăn về kỹ năng sư phạm…
Quỳnh Anh