Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Cà Mau Trịnh Xuân Hưng lại cho rằng, chính quyền một số địa phương vẫn còn chưa quan tâm trong tuyên truyền người dân ứng phó với thiên tai. Ðợi đến khi thiên tai đến thì mới tổ chức tuyên truyền để khắc phục thiệt hại là quá muộn.
Trong cuộc họp tổng kết về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) vừa qua, một số người cho rằng, đã qua, công tác dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai còn bộc lộ nhiều hạn chế. Việc hướng dẫn bà con chằng néo nhà chưa kịp thời; tư tưởng của một số cán bộ và người dân trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai còn thụ động, bất cập.
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang bộc bạch, ý thức phòng, chống thiên tai của người dân còn kém. Người dân còn chủ quan trong chằng néo nhà cửa, bảo vệ sản xuất. Bằng chứng là triều cường năm nào cũng diễn ra mà thiệt hại thì năm nào cũng có. Ðã vậy, trên địa bàn huyện có đến 6 cửa biển lớn, nhỏ có đông dân cư sinh sống, các khu tái định cư thì chưa hoàn thiện nên rất khó khăn trong công tác phòng, chống lụt bão.
Người dân luôn quan tâm bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng khi mưa bão về. |
Năm 2015, thiên tai đã làm mất tích 7 người (trên biển); bị thương 2 người do lốc xoáy; chìm 32 phương tiện; sập hoàn toàn 175 căn nhà; tốc mái 448 căn nhà; mưa lớn làm ngập úng 8.777 ha lúa và hoa màu; triều cường làm tràn bờ gần 1.000 ha nuôi thuỷ sản và hàng trăm héc-ta cây trồng khác. Tổng thiệt hại do thiên tai ước tính gần 25 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2016, thiên tai tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp từ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Hạn hán, triều cường, xâm mặn liên tiếp xảy ra làm thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trong tỉnh, tổng thiệt hại ước tính gần 2.000 tỷ đồng.
Thiệt hại từ thiên tai là rất nặng nề, mặc dù trong thời gian qua công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả. Song, nhận thức về công tác phòng, chống thiên tai của một bộ phận người dân (thậm chí cán bộ các địa phương) còn chủ quan, đơn giản. Công tác nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình thiên tai ở một số địa phương còn bị động, triển khai chưa chặt chẽ, việc tiếp cận và xử lý thiên tai còn hạn chế.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau Trương Dũng Tiến cho rằng, đã qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh còn bị động, lúng túng trong ứng phó. Chủ yếu vẫn là khắc phục nhiều hơn phòng, chống; ý thức người dân về thiên tai và phòng, chống thiên tai còn thấp. Việc dự báo thiên tai còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế từng địa phương.
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau Trịnh Văn Lên thì cho rằng, vấn đề dự báo khí tượng thuỷ văn trên đài cũng chưa phong phú, đa dạng. Tin tức chưa mang tính dự báo tình hình cao. Nói người dân nhận thức kém nhưng việc cung cấp thông tin cũng hạn chế, từ đó người dân thiếu thông tin, thậm chí ngay tại báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cũng không thông tin năm 2016 sẽ có bao nhiêu cơn bão, tập trung những tháng nào. Cả thành viên Ban Chỉ đạo còn không nắm rõ được tình hình huống chi người dân.
"Trong triển khai kế hoạch cũng vậy, còn dàn trải, chưa tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể. Các phương án còn quan tâm phần đất liền nhiều hơn phía biển, trong khi đó, tỉnh có nhiều cửa sông, cửa biển, dân cư rất đông đúc. Vấn đề xây dựng các khu tái định cư và khu neo đậu tránh trú bão chưa được quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư", ông Trịnh Văn Lên cho biết thêm.
Ở một góc nhìn khác, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Cà Mau Trịnh Xuân Hưng lại cho rằng, chính quyền một số địa phương vẫn còn chưa quan tâm trong tuyên truyền người dân ứng phó với thiên tai. Ðợi đến khi thiên tai đến thì mới tổ chức tuyên truyền để khắc phục thiệt hại là quá muộn. Ðơn cử như trong đợt triều cường vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 chẳng hạn, trung tâm đã gửi văn bản đến các địa phương để cảnh báo và đề nghị triển khai sâu rộng đến người dân. Tuy nhiên, do những ngày này nằm vào thời điểm chuẩn bị giao thừa Tết Nguyên đán nên địa phương "quên" triển khai xuống ấp và người dân cũng không nắm được thông tin khiến cho thiệt hại đáng tiếc xảy ra một số nơi như đã qua.
Từ thực tế đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đặc biệt chú ý và yêu thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền để việc phòng tránh được chủ động hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: "Diễn biến thời tiết đã qua là quá khắc nghiệt, ngoài sức tưởng tượng. Ngay từ đầu mùa mưa đã có lốc xoáy làm thiệt hại đến tài sản người dân. Việc quán triệt, tuyên truyền thực hiện các kế hoạch phòng, chống thiên tai, kế hoạch sản xuất còn chưa sâu rộng (xây dựng kế hoạch tốt nhưng triển khai kế hoạch chưa tốt, chủ quan, chủ quan ngay trong nội bộ cán bộ). Công tác xử lý đối với thiên tai, hạn hán còn hạn chế (thống kê, tập hợp báo cáo, hỗ trợ khắc phục thiên tai cũng còn nhiều bất cập). Dự báo tình hình những tháng cuối năm tỉnh lại phải tiếp tục ứng phó với La Nina, ngập úng, nước dâng và diễn biến bão cũng phức tạp hơn. Ðề nghị các ngành, bên cạnh triển khai thực hiện thật tốt các biện pháp đề ra, cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về thời tiết để người dân chủ động đề phòng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản".
Thông tin đúng, tuyên truyền trúng là 2 việc đặc biệt lưu ý trước khi thiên tai xảy ra. Người dân tiếp nhận thông tin đầy đủ từ công tác tuyên truyền thì thiệt hại sẽ ít hơn. Ngược lại, nếu công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế thì cho dù ý thức của người dân có được nâng cao thì thiệt hại mang lại cũng không hề nhỏ do thiếu thông tin. Chính vì vậy, để Cà Mau thêm một mùa mưa ít thiệt hại nhất thì công tác “phòng” tránh bão phải được đặt lên hàng đầu./.
Bài và ảnh: Tâm Như