Nhiều năm kinh doanh vàng bạc, ông Nguyễn Tôn Hoàng, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân tiệm vàng Hoàng Hến, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, tiên phong chuyển đổi số (CÐS). Hiện các hoạt động tại cửa hàng đều ứng dụng công nghệ như: phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm cầm đồ... Khi thực hiện CÐS thành công, ông Hoàng chia sẻ với các DN khác về những tiện ích khi áp dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh vàng, để cùng nhau phát triển.
Là Chủ tịch Hiệp hội DN huyện Ðầm Dơi, ông Nguyễn Tôn Hoàng cho rằng: "Theo quy luật, các DN muốn phát triển cần có sự thay đổi, thay đổi để phát triển. Muốn công ty phát triển mà cứ làm theo cách cũ sẽ không có kết quả. Tuy nhiên, hầu hết DN, công ty, hợp tác xã vẫn làm theo cái cũ, dẫn đến không có DN lớn, mà chỉ hoạt động nhỏ, siêu nhỏ. Chính điều này làm cho DN, hợp tác xã không đi lên được. Trở ngại này phải tìm được nguyên nhân để tháo gỡ".
Ông Hoàng minh chứng tại cửa hàng của ông, trước đây cần đến 5 người, từ khi CÐS, chỉ cần 2 người đã có thể hoạt động trôi chảy. Trước kia trả lương cho mỗi người 5 triệu đồng/tháng, thì giờ mỗi người nhận được 10-12 triệu đồng/tháng, 2 người làm với thu nhập cao cũng sẽ phấn khởi hơn.
Sau đại dịch Covid-19, từ hộ kinh doanh, ông Trần Thứ Trưởng đã mạnh dạn chuyển sang thành lập Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ thể thao Thứ Trưởng (Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi).
Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ thể thao Thứ Trưởng đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt việc không dùng tiền mặt.
Ông Trưởng cho biết: "Sau khi chuyển đổi áp dụng hoá đơn điện tử, công ty đã đồng hành cùng các đối tác là các ban, ngành, DN, các trường học, đơn vị hành chính thực hiện tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện CÐS, công ty tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin, sử dụng tất cả máy móc phục vụ in ấn. Trước đây in ấn thủ công, sau CÐS, công ty nhập các máy móc về, tất cả đều dùng công nghệ số. Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, đòi hỏi nguồn nhân lực am hiểu về công nghệ, trong khi trình độ lao động phổ thông ở địa phương rất nhiều, nhưng lao động có trình độ hạn chế. Ðây là những khó khăn của DN trong quá trình tuyển dụng".
Bên cạnh đó, ông Trưởng cũng kiến nghị: "Khi thực hiện CÐS, DN đầu tư máy móc công nghệ với chi phí cao. Ðể tạo điều kiện cho DN hoạt động ổn định và ngày càng phát triển, rất mong chính sách thuế áp dụng cho các công ty, DN hiện nay và năm sau sẽ kéo dài ở mức giảm 8% để thúc đẩy nhu cầu kinh doanh".
Ðó là 2 trong nhiều DN trên địa bàn huyện Ðầm Dơi tiên phong CÐS. Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN ngại thay đổi, băn khoăn khi thực hiện CÐS. Kinh doanh nhiều ngành nghề, ông Nguyễn Chí Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Vĩnh Phong (Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi), cho biết hiện nay công ty gặp khó trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Lãi trong kinh doanh xăng dầu không đủ bù đắp chi phí đầu tư công nghệ nên quy định về phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng (tại Nghị định số 123/2020/NÐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ) gây khó khăn cho DN.
Tiệm vàng Hoàng Hến tiên phong chuyển đổi số, hiện các hoạt động tại cửa hàng đều ứng dụng công nghệ như: phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm cầm đồ...
Ðối với nhiều DN kinh doanh xăng dầu, việc xuất hoá đơn cho từng lần bán hàng gây khó khăn, nhưng theo ông Nguyễn Tôn Hoàng, đây là điều tốt, khó khăn là do nguồn nhân lực của DN chưa tiếp cận được công nghệ thông tin, không có kỹ năng, chỉ đứng đong đếm thì khó vận hành được phần mềm. "Do đó, phải khắc phục ở khâu năng lực nhân sự, cần phải đào tạo lại hoặc đào tạo thêm để phù hợp với thực tiễn", ông Hoàng nêu giải pháp.
Nhiều cửa hàng xăng dầu e ngại việc xuất hoá đơn mỗi lần bán hàng vì phải đầu tư chi phí ban đầu cao và nguồn nhân lực hiện tại không đáp ứng yêu cầu CÐS.
Ông Nguyễn Tôn Hoàng bộc bạch: "Không am hiểu công nghệ sẽ ngại thay đổi, nên việc vận động CÐS mặc dù chủ trương có từ tỉnh, huyện nhưng chưa thành công, vì người áp dụng không nhiều. Mặt khác, chính sách thay đổi liên tục làm cho DN nhỏ theo không kịp, nhưng thay đổi mới thúc đẩy đi lên, những ai chấp nhận sẽ phát triển, ai không thay đổi phù hợp thì chậm phát triển".
Ðã qua, hằng năm, UBND tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh Cà Mau (iPEC) đều có các chương trình đào tạo, Hiệp hội DN huyện cũng đề xuất các DN tham gia, nhưng nhiều DN không quan tâm. Theo ông Nguyễn Tôn Hoàng, để CÐS hiệu quả, các DN không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy, chuyển mình và hành động. Các DN hay cá nhân phải tự vận động, ứng dụng CÐS để phù hợp với xu thế chung. Còn ngược lại thì sớm muộn sẽ bị đào thải và thay thế bởi những DN, cá nhân năng động hơn.
"Với vai trò là đại diện cho các DN trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, bản thân sẽ tiếp tục kiến nghị triển khai các lớp đào tạo kỹ năng cho chủ DN. Song song đó, tôi cũng sẽ kết nối với các cơ quan Nhà nước, Hiệp hội DN tỉnh, các chuyên gia giúp các DN trên địa bàn huyện từng bước số hoá để phù hợp với xu thế hiện nay", ông Nguyễn Tôn Hoàng cho biết./.
Phúc Duy - Trầm Nghĩ