(CMO) Đây là một trong những kiến nghị, đề xuất của xã Viên An, huyện Ngọc Hiển với đoàn giám sát do Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì diễn ra vào ngày 23/10.
Đợt giám sát lần này tập trung vào tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND (NQ 05) tỉnh quy định một số nội dung thực hiện hỗ trợ truyền thông và giảm nghèo về thông tin; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Viên An đã giảm được 241 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến đến cuối năm 2020 còn khoảng 3%. Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo của Viên An trong giai đoạn 2018-2020 được triển khai quyết liệt, bài bản. Tổng kinh phí thực hiện các dự án trên 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Viên An, ông Diệp Thanh Điền thì các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn xã thời gian qua có hiệu quả, nhưng mô hình mang tính mới, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương rất ít. Trên thực tế, một số mô hình hiệu quả mang lại chưa thật sự cao và các hộ dân khó khăn trong việc duy trì sau khi dự án kết thúc.
Đoàn giám tham quan mô hình nuôi cua tại gia đình hộ ông Trần Hoàng Linh ấp Vịnh Nước Sôi A, xã Viên An
Thực hiện chính sách hỗ trợ truyền thông và giảm nghèo về thông tin, toàn xã Viên An có 324 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ. Qua đó, Sở Thông tin Truyền thông đã cấp 324 đầu thu kỹ thuật số mặt đất cho hộ nghèo, hình thức hỗ trợ là hiện vật. Tuy nhiên, đa số hộ dân được hỗ trợ đều không thu được sóng do nằm trong “vùng lõm” sóng. Sau 2 tháng cấp, UBND xã Viên An báo cáo về trên thực trạng này, sau đó Sở Thông tin Truyền thông đã thu hồi. Đồng thời, Sở Thông tin Truyền thông hỗ trợ 6 ti vi cho đối tượng hộ nghèo của địa phương. Trên thực tế, cũng rất khó đánh giá kết quả hỗ trợ việc sử dụng thiết bị do người dân không được hướng dẫn kết nối, sử dụng; chưa có định hướng mục đích sử dụng cụ thể.
Từ thực tế công tác giảm nghèo thông tin, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở địa bàn, xã Viên An kiến nghị một số nội dung: Rà soát và hỗ trợ truyền thông, giảm nghèo về thông tin cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo; tập huấn, chuyển giao kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã trong lựa chọn, xây dựng, thực hiện quản lý dự án giảm nghèo; tăng cường phân cấp cho xã để chủ động trong việc lựa chọn mô hình, dự án giảm nghèo để sát hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh Ngô Ngọc Khuê phát biểu tại buổi làm việc với UBND xã Viên An
Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh Ngô Ngọc Khuê cho rằng: “Kiến nghị của UBND xã Viên An rất hợp lý, bởi căn cứ vào tình hình thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của người dân. NQ 05 của HĐND tỉnh được xây dựng, ban hành với kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tạo được các mô hình giảm nghèo hiệu quả, có khả năng nhân rộng. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, vẫn còn một số vấn đề còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Vấn đề là làm sao để đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp các địa phương giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Các mô hình sinh kế cần phải được duy trì, nhân rộng khi dự án kết thúc”.
Viên An là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả phát triển tích cực. Tuy nhiên, Viên An cần phải chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt, triển khai, quản lý các dự án giảm nghèo trên địa bàn, kịp thời có ý kiến phản hồi với các bên liên quan để tìm các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến, đề xuất của Viên An, từ đó có báo cáo, đề xuất giải pháp và giám sát việc thực hiện các giải pháp để việc triển khai NQ 05 của HĐND hiệu quả, thiết thực. Đây cũng là căn cứ để các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách giảm nghèo phù hợp hơn trong thời gian tới tại tỉnh Cà Mau./.
Quốc Rin