(CMO) Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, ban hành theo Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bước vào chặng cuối của việc thí điểm mô hình.
Thực hiện Đề án này, huyện ven biển Phú Tân đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận trong việc đưa bộ môn Tiếng Anh vào thí điểm ở bậc tiểu học.
Vượt qua nhiều khó khăn
Nói về điều kiện giáo dục của địa phương, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Tân Nguyễn Thị Thuý Chiều cho biết: “Hầu hết địa bàn của Phú Tân là vùng nông thôn, một số xã tiếp giáp biển, còn nhiều khó khăn”. Cũng theo bà Chiều, bộ môn Tiếng Anh trước khi có đề án hoàn toàn xa lạ với các trường tiểu học. Cho đến năm học 2011-2012, tức là sau 4 năm đề án triển khai, ngành giáo dục Phú Tân mới bắt đầu thực hiện. Lúc này, toàn huyện chỉ có 3 giáo viên dạy tiếng Anh, do được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng không đủ chuẩn.
Hình thức dạy và học tiếng Anh thời điểm mới triển khai đề án rất thụ động, thiếu sức hút. Trang thiết bị cho bộ môn Tiếng Anh cũng thiếu trầm trọng nên kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đối với những vùng nông thôn khó khăn của Phú Tân, tâm lý ngán ngại của học sinh đối với ngoại ngữ là điều dễ hiểu. Học sinh nơi đây cũng rất thiệt thòi trong việc tiếp cận các nguồn sách tham khảo, các kênh học ngoại ngữ trực tuyến qua Internet. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh vừa nơm nớp lo lắng vị trí việc làm, vừa không có sự kết nối, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, không được tạo cơ hội tập huấn, học nâng cao trình độ nên sự cống hiến bị ảnh hưởng không nhỏ.
Xác định được những thách thức đó, ngành giáo dục Phú Tân bắt đầu xở gỡ từ vấn đề cốt yếu nhất, đó là đội ngũ giáo viên. Bà Chiều chia sẻ: “Cái khó lớn nhất là nguồn tuyển giáo viên rất thiếu, đa phần phải hợp đồng với các bạn tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, sau đó tiếp tục đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Cái khó nữa là theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên tiếng Anh và tin học bậc tiểu học không được tuyển biên chế riêng”. Nghĩa là hầu hết các trường phải tự vận dụng để trong toàn bộ định mức biên chế của trường sẽ chen được vài vị trí dành cho giáo viên tiếng Anh.
Phòng dạy ngoại ngữ Trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 1 được đầu tư hiện đại, đầy đủ trang thiết bị, hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảng dạy, học tập. |
Cho đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 23 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học mới có 9 giáo viên được biên chế, còn lại là hợp đồng. Đánh giá về cơ sở vật chất phục vụ cho bộ môn Tiếng Anh, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Tân Bùi Minh Thiệp thông tin: “Hiện chỉ khoảng 50% số trường tiểu học (toàn huyện được 23 trường bậc tiểu học) có phòng giảng dạy tiếng Anh riêng. Trong số này chỉ có vài trường được đầu tư phòng học tương tác, được hỗ trợ cả âm thanh, hình ảnh phục vụ việc dạy và học”.
Theo ông Thiệp, vướng mắc lớn nhất là việc bộ môn Tiếng Anh không được phân giao chỉ tiêu biên chế. Điều này khiến ngành giáo dục, các trường lúng túng, gây ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên giảng dạy bộ môn. Ngành giáo dục Phú Tân cũng đã nhiều lần đề xuất, song phản hồi của các cấp, ngành chức năng là phải thực hiện theo quy định. Từ năm học sau, khi nhân rộng đề án, vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn cho các trường triển khai.
Kết quả tích cực
Ghé thăm trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 1, đơn vị triển khai đề án dạy ngoại ngữ được 4 năm, không khí dạy và học tiếng Anh thật sự sôi nổi, tích cực. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Bá Khoa cho biết: “Trường hiện có 3 giáo viên tiếng Anh, đều đạt chuẩn và trên chuẩn”. Nhà trường được đầu tư phòng dạy tương tác dành riêng cho tiếng Anh, thiết bị ngoại ngữ không dây và thực hiện dạy 4 buổi/tuần bắt đầu từ học sinh lớp 3. Theo đánh giá của thầy Khoa, học sinh rất thích thú tham gia các giờ học, kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tư duy bằng tiếng Anh đều được cải thiện rõ rệt.
Phú Tân có cách làm khá sáng tạo trong việc kết nối, tập hợp lực lượng giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học. Bà Thuý Chiều thông tin: “Phòng đã thành lập tổ giáo viên tiếng Anh chung cho cả huyện ở bậc tiểu học. Sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần và thường xuyên dự giờ, thảo luận, đánh giá kết quả giảng dạy của giáo viên”. Qua 2 năm tổ chuyên môn tiếng Anh của huyện đi vào hoạt động, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và nhiệt huyết cống hiến của lực lượng giáo viên đều được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Cô Nguyễn Hồng Nhiên, giáo viên dạy tiếng Anh của trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 1, chia sẻ: “Dù chỉ mới 2 năm giảng dạy theo diện hợp đồng, nhưng tôi cảm thấy môi trường học tập ngoại ngữ ở đây rất tốt. Sự quan tâm của gia đình, nhà trường và sự đam mê của các em học sinh chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó, cống hiến”. Điều đáng nói, giáo viên tiếng Anh tiểu học của Phú Tân còn vận dụng hết các điều kiện sẵn có để tổ chức các buổi ngoại khoá, các trò chơi cho học sinh, từ đó tạo được phong trào thi đua học tập tiếng Anh rộng khắp trong bậc tiểu học.
Có dịp cùng cô trò trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 1 trải nghiệm giờ học tiếng Anh mới thấy hết sự vui tươi, háo hức của học sinh. Khi học tập trở thành niềm vui, bất cứ mục tiêu nào, dù khó khăn đến đâu cũng có thể chạm đến. Ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng là hành trang không thể thiếu của công dân Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu. Vấn đề là ngoài những chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước, cần phải có những hạt nhân tâm huyết và sự sẻ chia, đồng hành của toàn xã hội. Phú Tân đã đi đúng hướng, nhưng vẫn còn đó những trăn trở, lo âu…./.
Phạm Quốc Rin