ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 17:09:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mua bán tài khoản thanh toán: Thủ đoạn mới nhắm vào sinh viên

Báo Cà Mau Thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam, tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên (HSSV) mở tài khoản thanh toán (TKTT) để sử dụng vào các mục đích phi pháp đã trở nên ngày càng phổ biến, đáng lo ngại. Ðể đối phó với tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Văn bản số 4932/NHNN-TT ngày 13/6/2024, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán TKTT của HSSV.

Các đối tượng tội phạm đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý dễ tin của HSSV để dụ dỗ mở TKTT. Những kẻ xấu này thường tiếp cận HSSV đã được cấp căn cước công dân và hứa hẹn trả công cho việc mở tài khoản. Thậm chí, chúng còn cung cấp điện thoại kèm sim để đăng ký tài khoản và dịch vụ Internet Banking, SMS Banking. Sau khi tài khoản được mở, học sinh phải trả lại điện thoại và cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP) cho các đối tượng.

Ngoài ra, những kẻ này còn thu thập dữ liệu sinh trắc học (như Face ID) của học sinh để xác minh danh tính khi cần thiết. Các tài khoản này sau đó thường bị lợi dụng vào các hoạt động phạm pháp, như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tài trợ khủng bố.

Hiện có nhiều đối tượng lừa HSSV mở TKTT để sử dụng vào mục đích phi pháp. (Ảnh minh hoạ)

Trước tình trạng mua bán TKTT của HSSV diễn ra phức tạp và đáng báo động, không chỉ các cơ quan chức năng, nhà trường, mà cả các bậc phụ huynh cũng vô cùng lo lắng. Bà Nguyễn Thị Nữ, Khóm 6, Phường 8, TP Cà Mau, lo ngại: “Con tôi đang học đại học năm 2. Tôi luôn nhắc nhở cháu không nên tin tưởng và chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ. Nhưng với sự tinh vi của các đối tượng phạm tội, tôi vẫn rất lo sợ rằng cháu có thể bị đối tượng xấu lôi kéo bởi những lời hứa hẹn về tiền bạc dễ dàng”.

Có con chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, ông Huỳnh Hoàng Phúc, ấp Chánh Tài, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, bận tâm khi nghe thông tin về tình trạng lừa đảo nói trên. Ðể bảo vệ con mình trước những nguy cơ này, ông Phúc thường xuyên nói chuyện với con về những mối nguy hiểm có thể gặp phải trên mạng và trong cuộc sống hằng ngày. “Tôi cũng giải thích rõ về việc không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ. Hơn nữa, tôi mong muốn nhà trường và các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục để các cháu hiểu rõ để cảnh giác, không bị kẻ xấu lợi dụng”, ông Phúc nói

Cô Phan Thị Thanh Thu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic Cà Mau, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục và tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức và bảo vệ HSSV: “Trong các buổi tuyên truyền, chúng tôi tập trung vào việc cảnh báo học sinh về các chiêu trò dụ dỗ của tội phạm. Trường giải thích rõ rằng, việc cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng cho người lạ là rất nguy hiểm và có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Ngoài ra, trường còn giáo dục các em về các quy định pháp luật liên quan đến việc mở và sử dụng TKTT".

Theo Văn bản số 4932/NHNN-TT, các hành vi mua, bán TKTT bị cấm theo quy định tại Ðiều 6, Nghị định 101/2012/NÐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ. Cụ thể, hành vi cung cấp thông tin không trung thực, mở hoặc duy trì TKTT nặc danh, mạo danh đều bị cấm. Nghị định số 52/2024/NÐ-CP ngày 15/5/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, bổ sung quy định cấm các hành vi liên quan đến mua, bán, thuê, cho thuê TKTT và ví điện tử. Các quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng TKTT cho mục đích phạm pháp.

Các hành vi cung cấp thông tin không trung thực, mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh đều bị cấm (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, Thông tư 23/2014/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) quy định rằng chủ TKTT không được cho thuê, cho mượn tài khoản của mình. Vi phạm các quy định này có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 5, 6 Ðiều 26, Nghị định 88/NÐ-CP ngày 14/11/2019. Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi mua bán thông tin TKTT từ 1 đến dưới 10 tài khoản; 50-100 triệu đồng đối với hành vi mua bán từ 10 tài khoản trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ðể giải quyết tình trạng này, NHNN đã đề xuất một loạt biện pháp phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tổ chức giáo dục. Trước hết, NHNN kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo tới người dân, đặc biệt là HSSV và người chưa thành niên. Việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, quy định pháp luật liên quan và biện pháp phòng, chống để không bị lợi dụng.

Ðể nâng cao độ an toàn và bảo mật trong các giao dịch thanh toán trực tuyến và qua thẻ ngân hàng, cần thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả các giải pháp quản lý tài khoản ngân hàng và tài khoản tín dụng có chức năng thanh toán.

NHNN Chi nhánh Cà Mau đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng quy trình nội bộ từ khâu đăng ký đến kích hoạt sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Ðặc biệt, đối với nhóm khách hàng là HSSV, việc mở tài khoản ngân hàng nên được thực hiện bằng số điện thoại chính chủ để đảm bảo thông tin liên lạc chính xác. Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường dựa trên thời gian, vị trí, tần suất, số tiền, và số lần đăng nhập sai so với quy định.

Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến tài khoản ngân hàng, việc phối hợp kịp thời với Công an tỉnh là vô cùng cần thiết. Ðiều này giúp xác minh, làm rõ tình hình, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống lại các tội phạm sử dụng công nghệ cao, cũng như các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng./.

 

Việt Mỹ