ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 26-7-25 14:25:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm

Báo Cà Mau Thời gian gần đây, tình trạng nhận tiền chuyển khoản nhầm từ người khác mà không chịu trả lại đang ngày càng trở nên phổ biến. Ðiều này khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí bị lừa đảo. Theo quy định của pháp luật, người nhận tiền chuyển khoản nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đó cho người chuyển nhầm. Nếu người nhận cố tình không trả lại tiền thì có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bài 1: Vất vả “đòi” lại tiền

Việc chuyển tiền nhầm tài khoản là tình huống khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân có thể do người chuyển tiền sơ suất, nhầm lẫn thông tin tài khoản thụ hưởng hoặc do lỗi hệ thống của ngân hàng (NH). Khi gặp phải tình huống này, nhiều khách hàng vẫn chưa hiểu rõ cách thức lấy lại tiền.

Đứng trước tình huống này, người chuyển khoản nhầm khi liên hệ báo lại với NH rà soát xử lý thì gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị NH... ngó lơ.

Sự cố nhầm lẫn

Trong thời đại công nghệ số, giao dịch chuyển tiền nhanh qua ứng dụng ngân hàng số (Mobile Banking) hay qua ATM đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, không ít người dùng gặp phải sự cố nhầm lẫn, chuyển tiền sai số tài khoản.

Lý do chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác chủ yếu đến từ phía người chuyển. Ông Giang Viễn Hoà, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Khi thực hiện giao dịch, do vội vàng, người chuyển thường không chú ý kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người nhận. Ðiều này dẫn đến việc nhầm lẫn số tài khoản, tên tài khoản, NH... Trên các ứng dụng NH thường có 2 lần xác nhận thông tin, nhập mã OTP cuối cùng để thực hiện chuyển khoản đi. Ðể tránh lỗi này, khách hàng cần lưu ý đọc kỹ và kiểm tra thông tin người nhận trước khi thực hiện chuyển khoản”.

Việc thông tin tài khoản người nhận cùng họ tên, hoặc do số tài khoản gần giống nhau cũng rất dễ nhầm lẫn. Như trường hợp chị Trương Cẩm Hồng, chủ tiệm bánh E (Phường 9, TP Cà Mau), bất ngờ: “Có người chuyển nhầm 1,2 tỷ đồng sang số tài khoản tôi. Sau khi kiểm tra lại thông tin, dù trùng khớp họ tên với tôi nhưng nhận thấy mình không phải là người nhận tiền, ngay lập tức tôi liên hệ với chủ tài khoản để trả lại”.

Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong quá trình thao tác khi chuyển tiền sẽ gây ra hệ luỵ khó lường. (Ảnh minh hoạ). 

Chị Nguyễn Huyền Trang, chủ cơ sở Massage trị liệu Hoàng Oanh (Phường 5, TP Cà Mau), chuyển khoản số tiền 8 triệu đồng, từ NH A sang tài khoản NH B tại Cà Mau. “Kiểm tra lại, tôi mới biết mình đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản của một người lạ, có số tài khoản gần giống nhưng khác tên. Hốt hoảng, tôi thông báo cho NH về giao dịch chuyển tiền nhầm này”, chị Trang kể.

Tuy nhiên, chỉ sau khi chị Trang cung cấp thông tin chuyển nhầm cho NH, chị đã nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên NH. Người này yêu cầu chị cung cấp thêm thông tin cá nhân và số thẻ ATM để xác minh giao dịch. Do tin tưởng, chị đã cung cấp thông tin cho người này. Ngay sau đó, tài khoản NH của chị Trang bị rút 10 triệu đồng. Khi chị Trang liên hệ lại với NH, phía NH cho biết không có nhân viên nào gọi điện cho chị. Chị thất vọng và bức xúc trước sự việc này. Chị cho rằng, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sơ hở việc chị chuyển tiền nhầm để chiếm đoạt tài sản.

Nhân viên ngân hàng thờ ơ 

Khi phát hiện chuyển tiền nhầm, nhiều khách hàng tỏ ra lúng túng, không biết phải làm gì. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp chuyển tiền nhầm, NH có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng và phối hợp xử lý vấn đề. Tuy nhiên, không ít trường hợp khách hàng phản ánh nhân viên NH tiếp nhận thông tin một cách thờ ơ, thiếu nhiệt tình, thậm chí có thái độ khó chịu.

Khách hàng chuyển tiền qua Mobile Banking khi chuyển nhầm chưa được hỗ trợ tận tình từ nhân viên ngân hàng.

Theo ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm và không ít trường hợp bế tắc cách xử lý. Cũng có không ít trường hợp NH thiếu hợp tác, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ khách hàng thực hiện biện pháp ngăn chặn thiệt hại, làm phát sinh nhiều trường hợp dở khóc dở cười.

Mới đây, chị Lê Kiều Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xây dựng Phúc Thịnh (NaCaMa) Cà Mau, một khách hàng đang sử dụng dịch vụ của NH TMCP X (xin không nêu tên - PV) chi nhánh Cà Mau, bày tỏ bức xúc khi gặp trường hợp chuyển tiền nhầm tài khoản. Theo chị Phương, vào ngày 10/1/2024, chị chuyển tiền thanh toán cho đại lý, chẳng may bấm sai số tài khoản và nhầm qua một người tên Bui Thanh Thuy với số tài khoản cùng chi nhánh Cà Mau: 0191000379XXX, số tiền 28.150.000 đồng. Sau khi phát hiện nhầm lẫn, ngay lập tức chị gọi điện cho NH để xin số điện thoại của chủ tài khoản đó. Tuy nhiên, nhân viên NH cho biết thông tin này là bảo mật, sẽ liên lạc với tài khoản nhận để xác minh thông tin và phản hồi lại cho chị sau.

“Thấy thời gian qua lâu mà vẫn chưa nhận lại tiền, tôi gấp rút liên hệ hỏi về tình trạng xử lý, thì nhân viên NH chỉ trả lời qua loa: “Bên em có gọi mà khách hàng không nhấc máy”, hoặc: “Chị chờ đi”... và không có bất kỳ thông tin cụ thể nào về việc tra soát hay hướng dẫn cách giúp tôi lấy lại số tiền đã chuyển nhầm”, chị Phương ấm ức.

NH cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Anh Nguyễn B.T.Q, Cà Mau, sốt ruột: “Ðến nay đã hơn 40 ngày mà tôi vẫn chưa lấy lại 30 triệu đồng chuyển nhầm. NH thờ ơ tiếp nhận, rồi chỉ báo nếu tôi không nhận được tiền thì tiền cứ treo ở đó mãi mãi”.

“Nhiều lần số tiền chuyển khoản nhầm từ 4 đến 5 triệu đồng, lần nào cũng ra NH tra soát đủ thứ mà chưa lần nào lấy lại được. NH nói muốn lấy lại tiền cần phải báo công an xử lý, nhưng vì số tiền không lớn mà giải quyết khó khăn quá nên tôi bỏ luôn”, chị Trương Cẩm Hồng nói.

Tình trạng mất tiền khi chuyển nhầm tài khoản không phải là hiếm gặp. Giám đốc một chi nhánh NH tại Cà Mau cho biết: “NH đã tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi phản ánh của các chủ tài khoản chuyển nhầm từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Trong số đó, có không ít trường hợp người chuyển nhầm gặp phải chủ tài khoản không chịu trả. Nhiều người vì tâm lý bỏ cho xong chuyện hoặc ngại chạy tới chạy lui trình cơ quan chức năng giấy tờ thủ tục các thứ nên đành chấp nhận mất tiền”.

Thiện chí từ phía người nhận... nhầm

"Do không có thông tin, địa chỉ của người nhận tiền, đồng thời cũng không biết người chuyển tiền là ai, thì cách để lấy lại số tiền đã chuyển nhầm sớm là “Nên chuyển tiếp 5 ngàn đồng vào số tài khoản nhầm, ghi nội dung “Chuyển khoản lại tài khoản sau khi chuyển khoản nhầm” và chú thích lại số điện thoại của mình. Khi người nhận được thông báo chuyển khoản, họ sẽ hiểu được tình hình và chủ động hoàn trả lại số tiền đã nhận nhầm”, chị Lê Thị Thuỳ Trang, Giám đốc OCB Cà Mau, chia sẻ.

Thời gian lấy lại tiền khi chuyển nhầm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là thiện chí của chủ tài khoản nhận nhầm. Nếu chủ tài khoản có thiện chí, người chuyển nhầm sẽ sớm nhận lại được tiền. Tuy nhiên, nếu chủ tài khoản không đồng ý trả lại tiền, người chuyển nhầm có thể mất nhiều tháng, thậm chí phải kiện ra toà để đòi lại tiền của mình. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, chủ quán Karaoke Tuấn (Phường 5, TP Cà Mau), cho hay: “Quan trọng là thiện chí trả tiền từ người nhận nhầm, tôi có 3 lần chuyển nhầm tiền với số tiền nhỏ. Mới đây tôi đã chuyển nhầm 490 triệu đồng cho người khác, chưa kịp liên hệ báo với NH thì họ chuyển lại nhanh chóng”.

Thiện chí của khách hàng nhận tiền nhầm không chỉ giúp người chuyển khoản lấy lại được tiền mà còn góp phần xây dựng xã hội văn minh, nhân ái. Mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong các giao dịch tài chính, đồng thời có thái độ thiện chí khi phát hiện bị chuyển khoản nhầm.


Ðiểm d, khoản 2, Ðiều 5, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: chủ tài khoản có nghĩa vụ hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi có vào tài khoản thanh toán của mình. Tại Ðiều 15a, Thông tư này đã có quy định cụ thể về việc xử lý tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán.


 

Hồng Phượng - Việt Mỹ

Bài cuối: Trách nhiệm của ngân hàng và người nhận nhầm

 

Vùng trời nào cũng là quê hương...

Tôi trở về Bạc Liêu vào một chiều hè oi ả, khi mặt trời đỏ rực như đang cháy hết mình trước khi lặn xuống phía chân trời, nơi những cánh đồng muối lấp lánh như tấm gương khổng lồ phản chiếu ánh hoàng hôn.

Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài cuối: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định:“Từ kết quả thực tiễn phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) của tỉnh trong nhiều năm qua, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng, tham gia, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà".

Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài 2: Khơi dậy tinh thần tương thân tương ái

Phong trào “Dân vận khéo" (DVK) đã lan toả khắp các miền quê trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Xuất phát điểm các mô hình DVK có khi là từ những việc nhỏ nhưng rất thiết thực như: tự nguyện vá những ổ gà, bồi lại đoạn đường bị sụt lún, sạt lở; vận động hộ khá, giàu cho hộ nghèo mượn đất cất nhà, đất sản xuất; nhận đỡ đầu học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn… thế rồi được lan toả, nhân rộng thành mô hình hiệu quả, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, thiết thực mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân, nhất là người yếu thế.

Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài 1: Vì lợi ích Nhân dân

Thời gian qua, ở tỉnh Cà Mau đã có hàng ngàn mô hình dân vận khéo (DVK) hiệu quả, thiết thực vì cuộc sống người dân, hướng đến xây dựng “gia đình hạnh phúc”, “cộng đồng hạnh phúc” và dần tiến tới “xã hội hạnh phúc”. Và công tác dân vận khéo chính là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau - Bài cuối: Ðất lành - Trăm năm tươi tốt

Sau 50 năm thống nhất đất nước, hệ thống trường học trên địa tỉnh Cà Mau được quy hoạch, đầu tư kiên cố, khang trang (trường xanh, sạch, đẹp) theo Ðề án kiên cố hoá trường lớp, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, phục vụ tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Các trường được đầu tư theo hướng tiến tới đủ điều kiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay ngành giáo dục đang tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo Ðề án “Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau - Bài 2: Nhà giáo hai quê

Trong những năm tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Tuy vậy, với tinh thần “tất cả vì sự nghiệp trồng người”, nhiều giáo viên tình nguyện từ miền Bắc vào Nam theo tiếng gọi “Nam tiến”, đã không ngại gian khổ bám trụ để dạy học giữa rừng đước, rừng tràm, bưng biền, để tạo nên lớp thế hệ tương lai cho quê hương.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau

Từ "vùng trũng” giáo dục khi giải phóng (30/4/1975), sau nửa thế kỷ, Cà Mau - vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đã có thể tự tin, tự hào để nói về một vùng đất hiếu học, vùng đất học. Một nhà giáo về hưu, được tăng cường từ miền Bắc vào để giảng dạy những năm đầu sau giải phóng, đã nói đại ý về giáo dục Cà Mau: "Bác Hồ dạy “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Cà Mau là đất lành, thế nên rừng ở Cà Mau mênh mông đước tràm, chim kéo về làm tổ. Con người Cà Mau thì có bản sắc, cá tính riêng, chúng tôi, những người làm nghề giáo chỉ có mặt và góp thêm những điều mình có, nhỏ bé thôi, để khơi mở nội lực lớn lao của tài nguyên con người nơi đây”.

Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân - Bài cuối: Đồng hành trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang ngày càng đi vào chiều sâu, từ khâu quản lý đến phục vụ người dân. Trong hành trình đó, báo chí đã và đang đóng vai trò không thể thay thế, không chỉ là “kênh truyền dẫn” thông tin, mà còn là người bạn đồng hành tin cậy, giúp đưa tín dụng chính sách đến với người dân một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh số hóa đang chuyển mình mạnh mẽ.

Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân

Giữa dòng chảy không ngừng của chính sách, báo chí như ống kính soi chiếu hiệu quả từ thực tiễn, là kênh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, từ đó góp phần xây dựng chính sách hoàn thiện, hiệu quả, thực sự đi vào đời sống Nhân dân. Ðiều này đặc biệt thấy rõ ở vai trò của báo chí đối với công tác truyền thông tín dụng chính sách thời gian qua.

Kỷ niệm với Trường Trung học Tiền Phong

Nhớ giữa năm 1953 đầu năm 1954, tôi đang học Trường Trung học Tiền Phong do Xứ đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ tổ chức thì có quyết định rút tôi về cơ quan Xứ đoàn để bảo vệ Ban Biên tập Báo Nhân Dân miền Nam, do anh Kỉnh (Nguyễn Phượng Vũ) và anh Hưởng Triều (Trần Bạch Ðằng) phụ trách.