Mới bắt đầu mùa triều cường, nhưng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ngập, thậm chí ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Mưa lớn, triều cường làm cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh chụp đường Trần Hưng Ðạo, Phường 5, TP Cà Mau sáng ngày 4/10).
Bắt đầu từ khoảng tháng 8 âm lịch là thời điểm bước vào mùa triều cường và kéo dài cho đến hết tháng 12. Theo đó, càng về cuối năm, mức độ ảnh hưởng và đỉnh triều càng cao, cao điểm của mùa triều cường thường vào tháng 10 và 11 âm lịch hằng năm. Ngoài ra, một thực tế đáng lo ngại hơn, dưới tác động của biến đổi khí hậu đã làm mực nước biển dâng nên những năm gần đây đỉnh triều liên tục phá vỡ kỷ lục, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Theo kết quả ghi nhận cho thấy, bắt đầu từ năm 2008-2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều đợt triều cường dâng cao vượt mức kỷ lục. Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin, bình quân triều cường khu vực biển Tây khoảng 1,2-1,3 m. Tuy nhiên, có nhiều đợt triều cường lên đến 1,7-1,8 m, thậm chí có thời điểm (2019-2020) đỉnh triều lên đến 2,2 m. Không chỉ vậy, triều cường dâng kết hợp với sóng hơn 1 m đã vượt qua đê biển tràn vào nội đồng.
“Hiện tượng triều cường cao bất thường trước đây cũng từng xảy ra nhưng chỉ thỉnh thoảng. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, triều cường dâng cao cục bộ, lại xảy ra liên tục dù chỉ trong vòng khoảng 30 phút nhưng để lại thiệt hại rất lớn”, ông Nam chia sẻ thêm.
Tuy chưa phải là thời gian cao điểm nhưng trong đợt mưa lớn và triều cường những ngày vừa qua đã gây tình trạng ngập nặng tại nhiều tuyến đường và vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại về tài sản, sản xuất, đời sống, đi lại của người dân. Qua thống kê sơ bộ đã có ít nhất 5.873 ha lúa - tôm, lúa mùa, rau màu, cây ăn trái và ao nuôi cá của người dân bị ngập, một số tuyến đường bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng.
Ruộng lúa trên đất nuôi tôm của anh Lê Văn Nào, Khóm 2, thị trấn U Minh (huyện U Minh), cấy được hơn 10 ngày, giờ chìm trong nước. Ảnh: TRẦN THỂ
“Sợ” là dòng tâm trạng đầu tiên mà chị Trần Ánh Phượng, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, chia sẻ. Có lẽ đây cũng là tâm trạng chung của nhiều bà con hiện đang sinh sống dọc hai bên cửa biển này. Bởi theo chị Phượng, ở đây hễ mưa thì nước lên cao, lại thêm gió và sóng, gia đình không ít lần phải đi tá túc nhà bà con gần đó để tránh gió, sóng. Mới về đây sống chưa được 5 năm nhưng gia đình chị đã phải 2 lần sửa chữa, nâng cấp sàn nhà do sóng.
Theo dự báo trong các tháng 9, 10 và 11 (âm lịch), mực nước cao nhất các đợt triều cường sẽ có khả năng ở mức báo động III, tức khoảng 2 m, thậm chí có khả năng vượt cả mức báo động III. Ðặc biệt, với mức triều này, nếu kết hợp với mưa lớn, sẽ gây ngập lụt một số vùng trũng thấp. Hiện tượng thời tiết cực đoan này hoàn toàn có khả năng xảy ra, bởi theo dự báo từ đây đến cuối năm 2023, bão, áp thấp nhiệt đới vẫn còn nguy cơ xảy ra cao và có đường đi phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp khu vực Nam Bộ, nhất là vào các tháng 11, 12. Không chỉ vậy, Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt liên thông với nhau đổ ra biển thông qua khoảng 80 cửa biển, cửa sông lớn nhỏ. Từ điều kiện tự nhiên này, nguy cơ thiệt hại trên diện rộng là rất cao nếu thời tiết diễn biến bất thường.
Trước diễn biến cũng như những dự báo kịch bản thời tiết từ đây đến cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Văn bản chỉ đạo hoả tốc số 7782/UBND-NNTN, ngày 3/10/2023, về khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục ngập úng do mưa lớn và triều cường gây ra.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, TP Cà Mau, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo ngập úng do mưa lớn kết hợp với triều cường, thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ vuông, bờ thửa, bờ bao khuôn hộ bảo vệ sản xuất; hướng dẫn người dân kê cao tài sản, hàng hoá hoặc di dời để tránh ngập gây hư hỏng; thực hiện các biện pháp phòng tránh ngập gây thiệt hại tài sản, tài liệu của cơ quan, đơn vị; vận động người dân tích cực khơi thông cống rãnh để tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường nhà ở, khu vực xung quanh nhà ngay sau khi hết ngập nước để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh.
Ngoài ra, trong công văn còn nêu rõ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống, đập, trạm bơm để tiêu thoát nước, ngăn triều cường, bảo vệ sản xuất. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý, gia cố các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất để phòng tránh thiệt hại; tăng cường hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, chống tràn, các biện pháp đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản nuôi, thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau và các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát các vị trí, đoạn đường bị hư hỏng, ngập úng, vị trí cống bị hư hỏng nắp cống, chủ động có giải pháp phòng ngừa, hướng dẫn, cảnh báo để người tham gia giao thông biết, tránh xảy ra tai nạn, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây ra thiệt hại về tài sản ước khoảng 40,62 tỷ đồng. Cụ thể làm 6 người bị thương, chìm 11 phương tiện, sập 1 đáy hàng khơi; 1.136 căn nhà bị hư hỏng; hơn 7.360 ha lúa bị ngập, đổ ngã; 242 vị trí ven sông bị sạt lở, nhiều tài sản, hạ tầng khác của người dân và Nhà nước bị hư hỏng. |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào cửa biển, kiên quyết không cho ra biển hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định, nhất là các phương tiện không đảm bảo trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất trên biển thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.
Nguyễn Phú