Khi gió bấc bắt đầu se lạnh, hoa tràm toả ngát hương thơm dẫn dụ đàn ong đến hút mật, những cánh đồng lúa đông xuân vừa thu hoạch còn mùi rơm rạ, đây cũng là lúc vào mùa nước rọt, người dân đặt trúm, lọp, lờ... bắt những con cá vào sông rạch, đìa, bàu.
Chúng tôi có dịp theo chân nông dân xứ rừng tràm U Minh Hạ thăm lọp bắt cá, dỡ trúm bắt lươn, thăm dớn bắt rắn, thăm kèo ong lấy mật...; hay về vùng lúa - tôm Biển Bạch Ðông, Trí Lực (Thới Bình), Khánh Thuận (U Minh), Trần Hợi (Trần Văn Thời) thu hoạch vụ tôm càng, xem bà con kê liếp đưa màu xuống ruộng..., cảm nhận đời sống rộn ràng nơi làng quê và thưởng thức những món ẩm thực được chăm chút, tạo nên từ mồ hôi, công sức của những nông dân chân chất xứ Cà Mau.
Khi gió bấc về, người dân xứ Khánh Thuận (U Minh) vào mùa thu hoạch lúa đông xuân. Vụ lúa này người dân rất phấn khởi khi trúng mùa, được giá.
Sau khi thu hoạch lúa, nước xuống kênh cũng là thời điểm ông Nguyễn Hoàng Nghiêm (ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình) tiến hành thu hoạch tôm càng mùa nước rọt.
Nước rút, người dân kê liếp đưa màu xuống ruộng. (Ảnh chụp tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).
Mùa này, trên rừng bắt đầu cạn nước, các loài lươn, rắn, rùa, cá, tôm xuống kênh, ông Huỳnh Vũ Hoàng dùng ống trúm đặt bắt được những con lươn rừng vàng tươi, to hơn nửa kí-lô-gam.
Khu rừng hàng trăm héc-ta của ông Mười Ngọt (Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) mỗi đợt cho thu hoạch hàng trăm lít mật từ nghề gác kèo ong mùa nước rọt.
Huỳnh Lâm thực hiện