Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, huyện Năm Căn đã và đang tích cực thực hiện công tác trồng và bảo vệ rừng. Trong 10 năm qua, diện tích rừng của huyện Năm Căn tăng trên 3.000 ha, đạt tỷ lệ che phủ trên 33%.
Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, huyện Năm Căn đã và đang tích cực thực hiện công tác trồng và bảo vệ rừng. Trong 10 năm qua, diện tích rừng của huyện Năm Căn tăng trên 3.000 ha, đạt tỷ lệ che phủ trên 33%.
Hơn nửa đời người sinh sống trên đất Tam Giang, ông Trần Văn Lành, 65 tuổi, ấp Lung Ngang, luôn xem rừng như của quý. “Gần 4 ha mặt nước nuôi tôm được những tán rừng che chắn, tôm không bị nhiễm mặn, nguồn nước ít nhiễm phèn, tôm phát triển tốt. Mặc dù được quy hoạch là rừng sản xuất, nhưng việc trồng rừng xem như của để dành, trồng cây nào, tôi cũng muốn giữ cây đó”, ông Trần Văn Lành cho biết.
Ông Trần Văn Lành, ấp Lung Ngang, xã Tam Giang tích cực trồng và bảo vệ rừng. |
Ngoài việc chăm sóc rừng, ông Trần Văn Lành dành nhiều thời gian giáo dục con cháu của mình cách trồng và bảo vệ rừng.
Từ nhiều năm qua, người dân huyện Năm Căn luôn ý thức hơn lợi ích từ rừng mang lại. Bà Trương Thị Cảnh, ấp Lung Ngang, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, bộc bạch: “Mình là nông dân, chữ nghĩa không nhiều nhưng thấy mặt đất mà không cây là giống như sa mạc rồi, làm sao sinh sống được. Ở đất Tam Giang này, không chỉ bà con xóm này mà hiện nay, mọi người xem việc trồng rừng và bảo vệ nó là mục đích chung vừa đem lại nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần giữ khí hậu ôn hoà”.
Ông Nguyễn Văn Ðổng, nhân viên Tiểu khu 4, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, cho biết: “Từ nhiều năm qua, chúng tôi rất chú trọng tuyên truyền, phát động người dân trồng và bảo vệ rừng. Cùng với giá trị kinh tế rừng ngày càng lớn nên người dân tự giác trồng rừng và giữ rừng khá tốt”.
Trong nhiều năm qua, huyện Năm Căn tích cực tìm giải pháp phù hợp, ứng phó một cách linh hoạt trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Mô hình sản xuất thuỷ sản kết hợp trồng rừng: rừng - tôm được khuyến khích phát triển. Ðến nay, huyện Năm Căn có trên 8.350 ha rừng - tôm.
Cùng với đó là diện tích khu rừng phòng hộ trên 2.570 ha, rừng sản xuất 1.000 ha của xã Tam Giang Ðông. Ðây được xem là hình mẫu thành công của phương châm “lấy rừng nuôi rừng”. "Sắp tới, sẽ có thêm khoảng 40 ha rừng đước được trồng mới theo dự án chống biến đổi khí hậu ở xã bãi ngang Tam Giang Ðông, từ đó sẽ hình thành những đai rừng kiên cố”, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang Ðông, cho biết./.
Bài và ảnh: Như Quỳnh