Lực lượng dân quân tự vệ giúp dân khắc phục hậu quả sau lốc xoáy tại khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn.
Huyện Năm Căn được dự báo là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Nhằm hạn chế thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân, việc chủ động ứng phó với thiên tai được ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Từ đầu năm đến nay, xã Lâm Hải xảy ra 6 vụ sạt lở đất và nguy cơ sạt lở đang được cảnh báo ở mức cao. Tại ấp Chà Là, tuyến lộ dài hơn 6 km nhưng đã có khoảng 20 đoạn nguy cơ sạt lở, dù xã đã hỗ trợ kinh phí cùng người dân sửa chữa rất nhiều lần.
Lực lượng dân quân tự vệ giúp dân khắc phục hậu quả sau lốc xoáy tại khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn. |
Ông Huỳnh Văn Hiếu, ngụ ấp Chà Là, cho biết: “2 năm nay sạt lở ngày càng nặng hơn. Nhiều đoạn lộ phải dời vào sâu trong vuông tôm của người dân, một số căn nhà bị sạt lở người dân phải di dời vào sâu bên trong. Trước đây nhà ai cũng có sân rất rộng, nhưng giờ có chỗ chỉ còn con lộ để đi là đến mé nhà. Chính quyền địa phương đã phát động trồng cây mắm ven lộ chống sạt lở nhưng không hiệu quả, do dòng sông cả 2 phía đều đổ thẳng ra biển. Hướng Bắc thì đổ thẳng ra sông Cửa Lớn thông ra biển, còn hướng Tây thì đổ ra biển Tây nên con sông rất sâu và không còn bãi, vì vậy, mỗi mùa mưa đều xảy ra sạt lở”.
Anh Nguyễn Thanh Phong, ấp Chà Là, nói: "Hôm rồi chính quyền địa phương lấy ý kiến của dân, đa phần đều mong muốn xây dựng con lộ mới, đảm bảo hơn. Bà con đều đồng lòng hiến đất và làm phần lộ đất đen, Nhà nước bê-tông hoá, con lộ mới sâu hơn con lộ hiện nay từ 1.000 m trở vào trong, để đảm bảo an toàn về lâu về dài. Hiện tại thì nhiều đoạn sạt lở bà con đào tận dụng những miếng đal không bể kê lại để lưu thông tạm, nhưng không biết sử dụng có qua mùa mưa này không nữa”.
Ngoài tuyến lộ ấp Chà Là, xã Lâm Hải cũng đang đứng trước khó khăn khi tình trạng sạt lở đất ven sông ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là những hộ nghèo ở các ấp Trại Lưới B, ấp Biện Trượng...
Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hải Tôn Văn Tiến cho biết: “Ðối với những hộ dân sống khu vực có nguy cơ sạt lở, UBND đã trực tiếp tuyên truyền vận động để người dân nâng cao ý thức, đặc biệt mùa mưa bão này. Hiện tại triều cường xuống rất thấp, khi trời mưa nguy cơ sạt lở rất cao, từng ấp bố trí sẵn lực lượng cơ động phụ trách, khi có trường hợp xấu xảy ra thì lực lượng này trực tiếp xuống hỗ trợ dân. Còn về lâu dài cần huyện hỗ trợ di dời dân, nhưng nguồn kinh phí rất lớn, cần sự quan tâm đầu tư của cấp trên”.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, trên địa bàn huyện Năm Căn hiện có trên 4.000 hộ dân cần được di dời trước nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng nước biển dâng. Sạt lở ảnh hưởng trên 1.300 hộ, 12 tuyến với chiều dài khoảng 10 km ở các xã: Lâm Hải, Hàng Vịnh, Tam Giang và thị trấn Năm Căn. Những khu dân cư sạt lở đa phần nhà ở chủ yếu là bán kiên cố và tạm, nên khó có khả năng đảm bảo an toàn khi thiên tai đến. Vừa qua, tại khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, lốc xoáy đã làm tốc mái 6 căn nhà, dù không thiệt hại lớn nhưng rơi vào những hộ nghèo và khó khăn, những hộ này cũng nằm trong diện di dời khỏi vùng ảnh hưởng sạt lở và thuỷ triều dâng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn huyện Năm Căn vừa có chuyến khảo sát toàn diện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện, nhằm có những giải pháp chủ động ứng phó.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Lê Văn Khởi cho biết: “Khó khăn trước mắt là chưa có điều kiện di dời dân trong những khu vực được cho là điểm nóng trước nguy cơ sạt lở hiện nay. Nhà ở người dân, đặc biệt là ven sông, chủ yếu là cây lá tạm nên khó chịu nổi ảnh hưởng lốc xoáy và gió bão. Chúng tôi đã cảnh báo cho người dân biết những điểm có nguy cơ sạt lở, gắn bảng cấm biển báo, tiếp tục rà soát những tuyến kinh rạch, khu vực dân cư, những nơi có nguy cơ sạt lở để tuyên truyền, khuyến cáo người dân trồng cây ven sông để hạn chế sạt lở. Bên cạnh đó, kiến nghị với tỉnh đầu tư xây dựng các khu tái định cư bức thiết như: khu tái định cư ấp Kinh 3, xã Tam Giang Ðông; khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn; xã Lâm Hải... để di dời dân nơi có nguy cơ sạt lở cao vào đó sinh sống cho an toàn”./.
Bài và ảnh: Kim Hậu