Những năm qua, hoạt động kiểm soát phong tại tỉnh Cà Mau rất thành công, tỷ lệ bệnh phong lưu hành giảm từ 1.4/10.000 dân (năm 1990) xuống 0,04/10.000 dân (năm 2012). Tỷ lệ bệnh mới phát hiện giảm từ 7/100.000 dân (năm 1990) xuống 0,8/100.000 dân (năm 2012); tỷ lệ bệnh nhân khuyết tật độ 2 giảm từ 26% xuống 0%.
Những năm qua, hoạt động kiểm soát phong tại tỉnh Cà Mau rất thành công, tỷ lệ bệnh phong lưu hành giảm từ 1.4/10.000 dân (năm 1990) xuống 0,04/10.000 dân (năm 2012). Tỷ lệ bệnh mới phát hiện giảm từ 7/100.000 dân (năm 1990) xuống 0,8/100.000 dân (năm 2012); tỷ lệ bệnh nhân khuyết tật độ 2 giảm từ 26% xuống 0%.
Để cuộc sống của người khuyết tật do phong dần đi vào ổn định, hoà nhập cộng đồng bền vững và chuyển sang giai đoạn tự thân vận động trong cuộc sống, Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội tỉnh lập kế hoạch về nhu cầu của người khuyết tật do phong. Kế hoạch này được Hiệp hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan đồng ý tài trợ bằng việc triển khai Dự án “Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong” giai đoạn tháng 3/2013 đến tháng 3/2017, với mục tiêu cung cấp các dịch vụ chăm sóc người khuyết tật do phong lồng ghép vào dịch vụ phục hồi khuyết tật chung sẵn có tại Cà Mau. Thông qua hoạt động của dự án, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật do phong trong tỉnh.
Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội tỉnh phối hợp các nhà hảo tâm tặng quà cho bệnh nhân phong. Ảnh: ĐẶNG DUẨN |
Dự án bắt đầu xây dựng mô hình nhóm tự lực tại xã Trí Phải (huyện Thới Bình), xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), xã Tắc Vân (TP Cà Mau). Thông qua các nhóm tự lực, người khuyết tật sẽ được hướng dẫn chăm sóc tàn tật, chăm sóc y tế, được tập huấn kỹ thuật, học hỏi các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện sức khoẻ của mình.
Dự án có nhiều hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ cho người khuyết tật do bệnh phong tái hoà nhập cộng đồng, với nhiều hình thức hỗ trợ như: điều trị phục hồi chức năng, hỗ trợ xây cây nước sinh hoạt, cấp phát học bổng cho con em bệnh nhân phong, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế... Đặc biệt là hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để họ có điều kiện làm kinh tế ổn định cuộc sống.
3 năm qua, trung tâm phối hợp với Hội LHPN tỉnh giải ngân nguồn vốn hàng trăm triệu đồng cho người khuyết tật do phong và không do phong tại các xã điểm như: Trí Phải (huyện Thới Bình), Tắc Vân (TP Cà Mau), Nguyễn Phích (huyện U Minh), Khánh Hải và Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) với hàng chục hộ tham gia. Qua đánh giá, những hộ này đều phát triển được kinh tế, ổn định dần cuộc sống. Họ cũng tích cực hoà nhập vào cộng đồng chứ không khép kín, xa lánh như trước đây. Rất nhiều người khuyết tật do phong và khuyết tật khác nhờ dự án này có cuộc sống ổn định, hoà nhập tốt với cộng đồng như ông Võ Văn Việt, anh Phạm Tẻn Anh (ấp 5, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).
Bên cạnh triển khai vốn vay cho hộ người khuyết tật do phong và người khuyết tật khác, dự án còn hỗ trợ thực hiện thường xuyên các hoạt động khác như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, cấp học bổng cho con họ; hỗ trợ xe lăn, làm chân, tay giả cho người khuyết tật do phong. Riêng chương trình hỗ trợ vốn sẽ tiếp tục được thực hiện ở các địa bàn thí điểm và đồng thời triển khai thêm ở một số huyện, xã khác trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Trí Phải, huyện Thới Bình Ðặng Văn Lượm chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi Dự án “Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do bệnh phong” đã giúp địa phương chăm sóc, điều trị vật lý trị liệu, tạo điều kiện để bệnh nhân phong tiếp cận các dịch vụ xã hội, biết tự chăm sóc cho bản thân. Ngoài ra, được địa phương quan tâm còn hỗ trợ về vật chất và tinh thần nhằm giúp cuộc sống bệnh nhân phong dần đi vào ổn định”.
Trung tâm còn phối hợp với ngành LĐ-TB&XH triển khai các văn bản chỉ đạo tuyến y tế cơ sở và cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH tuyến xã, phường tiến hành mua bảo hiểm y tế cho người khuyết tật không do phong chưa có bảo hiểm y tế. Phối hợp với UBND các xã triển khai dự án, hướng dẫn người khuyết tật nhận biết các thông tin về quyền lợi của người khuyết tật được hưởng, thực hiện các thủ tục cần thiết được hưởng trợ cấp hằng tháng… cung cấp thông tin các nơi chăm sóc tàn tật, phục hồi chức năng… Phối hợp với Hội Khuyến học huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh hỗ trợ kinh phí cho con người khuyết tật đi học; phối hợp Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tập huấn kiến thức nuôi trồng thuỷ sản cho người khuyết tật...
Người khuyết tật do bệnh phong tại Cà Mau từng bước tái hoà nhập cộng đồng là một niềm vui lớn đối với đội ngũ phòng, chống phong. Vì từ sau chặng đường dài hoạt động vất vả không biết mệt mỏi, người khuyết tật do phong bên cạnh sự hỗ trợ chăm sóc về y tế còn nhận được sự động viên của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội để hoà nhập với cộng đồng, tăng gia lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng chính là những liều thuốc vô giá, giúp bệnh nhân phong vượt qua những mặc cảm về định kiến, khoảng cách giữa bệnh nhân phong và cộng đồng giờ đây dường như không còn nữa. Người khuyết tật do bệnh phong tại Cà Mau thật sự tái hoà nhập cộng đồng.
Người khuyết tật nói chung, người khuyết tật do phong nói riêng có nhiều nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ công cộng. Họ còn chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt, người khuyết tật do phong so với những người không khuyết tật. Vì vậy, cộng đồng cần có những quan tâm, hỗ trợ; chính quyền, đoàn thể các cấp cần có những chủ trương, chính sách hữu hiệu, giúp đỡ người khuyết tật nhiều hơn nữa để sớm đem lại sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống./.
Bác sĩ Ngô Thanh Tân, Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội