Một trong những công việc quan trọng của HÐND tỉnh là quyết định các vấn đề của địa phương thông qua các nghị quyết được ban hành theo luật định. Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HÐND tỉnh, khẳng định: "Công tác thẩm tra văn bản được các ban của HÐND tỉnh chủ trì chính là công việc rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng các kỳ họp HÐND, tác động trực tiếp, toàn diện đến mọi mặt đời sống Nhân dân của địa phương”.
Trong nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, công tác thẩm tra văn bản được các ban của HÐND tỉnh tập trung quyết liệt để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trên thực tế, các văn bản chuẩn bị trước mỗi kỳ họp dù là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản cá biệt đều có quy trình thực hiện kỹ lưỡng, qua nhiều bước, nhiều khâu theo quy định. Tuỳ theo nội dung, chương trình kỳ họp, số lượng văn bản có thể khác nhau, nhưng công tác thẩm tra thì lúc nào cũng phải được tổ chức thực hiện nghiêm cẩn. Càng chu đáo bao nhiêu thì chất lượng văn bản trình kỳ họp sẽ càng được đảm bảo bấy nhiêu.
Thẩm tra văn bản có vai trò quan trọng trước, trong mỗi kỳ họp của HÐND tỉnh. (Trong ảnh: Ban Kinh tế - Ngân sách, HÐND tỉnh chủ trì hội nghị thẩm tra văn bản trình kỳ họp thứ 11, HÐND tỉnh Cà Mau khoá X sắp diễn ra).
Bà Vũ Hồng Như Yến, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HÐND tỉnh, cho biết: “Chất lượng văn bản trình kỳ họp là vấn đề quan trọng, là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của mỗi kỳ họp. Công tác thẩm tra chính là để ngày càng nâng cao hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa ở bước cuối cùng của các văn bản trước khi trình kỳ họp, từ đó các đại biểu quyết nghị và ban hành”.
Trước kỳ họp thứ 11, HÐND tỉnh khoá X, Ban Kinh tế - Ngân sách được giao chủ trì thẩm tra 11 dự thảo nghị quyết ở lĩnh vực phụ trách. Với nhiều nội dung quan trọng, hội nghị thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách diễn ra trong thời gian 2 ngày làm việc. Theo bà Yến: “Thời gian hội nghị phải đủ cho việc ghi nhận ý kiến thảo luận, đóng góp được chi tiết nhất, toàn diện nhất, nhất là ở những vấn đề còn ý kiến khác nhau, đây là căn cứ để các văn bản được hoàn thiện ở mức tối đa có thể”.
Mỗi nghị quyết được ban hành và có hiệu lực sẽ tác động lớn đến đời sống xã hội, vì thế công tác thẩm tra phải là bước rà soát cuối cùng được tập trung cả trí tuệ, trách nhiệm và sự tỉ mỉ, cẩn trọng của ban chủ trì thẩm tra. Bà Yến thông tin: “Với trách nhiệm chủ trì hội nghị thẩm tra, chúng tôi dồn toàn bộ trí tuệ, tâm huyết, ý thức trách nhiệm để làm sao văn bản trình kỳ họp hoàn thiện ở mức tốt nhất. Ðối với những văn bản có sự thảo luận, đóng góp hoặc ý kiến khác nhau, phải thống nhất về phương án điều chỉnh. Ðối với những văn bản chưa đạt yêu cầu, không thật sự cấp thiết, chúng tôi cũng rất mạnh dạn đề xuất tạm hoãn lại để hoàn thiện thêm, để trình và quyết nghị trong kỳ họp khác để đảm bảo, phù hợp hơn. Từ nội dung đến hình thức, văn bản trình kỳ họp phải đúng quy định, không có ngoại lệ. Các văn bản trình kỳ họp chất lượng không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức của các đại biểu tại kỳ họp mà còn góp phần vào việc đạt được các mục tiêu đề ra của từng kỳ họp và toàn nhiệm kỳ”.
Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, từng nhiều lần lưu ý: “Ðối với các văn bản trình kỳ họp, nếu văn bản nào chưa đảm bảo hoặc chưa thật sự cần thiết thì không thông qua”. Ðây là nét mới hết sức tích cực trong hoạt động của HÐND tỉnh Cà Mau, tập trung vào hiệu quả và chất lượng thực chất. Xác định được điều ấy, các ban của HÐND càng dồn sức để nâng cao hiệu quả, chất lượng khâu thẩm tra văn bản.
Một điểm nhấn khác, các ban của HÐND chủ trì trong hội nghị thẩm tra không chỉ rà soát, ghi nhận ý kiến thảo luận, đóng góp để hoàn thiện văn bản mà còn nêu lên những vấn đề, nội dung, văn bản cần sự tập trung quan tâm của đại biểu, khơi gợi những vấn đề cấp thiết của địa phương. Lấy ví dụ về dự thảo nghị quyết bàn cơ chế hỗ trợ các hãng hàng không có khai thác đường bay tại tỉnh Cà Mau, sau khi cơ quan soạn thảo là Sở Giao thông vận tải trình bày dự thảo, bà Vũ Hồng Như Yến nêu ý kiến: “Chủ trương này là rất cần, rất đúng, nhưng cần hoàn thiện thêm về quy định, khâu tổ chức thực hiện. Phải đảm bảo khi nghị quyết ban hành phải có tính áp dụng phù hợp thực tế. Và một mối quan tâm khác, làm sao để có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, khơi thông huyết mạch giao thông đường hàng không để phục vụ sự phát triển lâu dài của tỉnh nhà. Ðiều này, không dừng lại ở dự thảo nghị quyết đang xây dựng mà cần tính toán cho những dự thảo nghị quyết sắp tới liên quan về vấn đề này”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc sở GTVT, đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết ban hành một số chính sách hỗ trợ các hãng hàng không có khai thác đường bay tại tỉnh Cà Mau trao đổi, thông tin thêm về nội dung dự thảo nghị quyết tại phiên hội nghị thẩm tra văn bản.
Với vai trò chủ trì thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng rất lưu tâm về quyền lợi, sự thụ hưởng của cử tri, sức tác động của các nghị quyết khi được ban hành. Các quy định của văn bản không chỉ cần đúng về quy định mà còn phải làm sao để cử tri, Nhân dân tỉnh nhà được thụ hưởng quyền lợi ở mức cao nhất. Do đó, những văn bản liên quan đến các nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển được đặc biệt chú trọng thảo luận, đóng góp.
Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết bổ sung một số điều của Nghị quyết số 14/2022/NQ-HÐND (Nghị quyết 14), ngày 9/12/2022, của HÐND tỉnh quy định nội dung hỗ trợ, trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ thực hiện phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng, phát triển sản xuất theo nhiệm vụ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh được thảo luận trong hội nghị thẩm tra vừa qua, bà Yến cho biết: “Theo chúng tôi, nên có điều chỉnh để Nhân dân tiếp cận, thụ hưởng các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở mức tối đa có thể, theo đúng quy định. Việc này là phù hợp với chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của Nhân dân, phục vụ sự ổn định, phát triển của tỉnh nhà”. Ý kiến này được các đại biểu hoan nghênh, thống nhất.
Có thể thấy, vai trò các hội nghị thẩm tra của HÐND tỉnh giờ đây không chỉ dừng lại ở khâu kỹ thuật, mà còn là diễn đàn quan trọng, khâu rà soát cuối cùng để thảo luận, cho ý kiến và thống nhất về nhiều vấn đề quan trọng của địa phương, từ đó hoàn thiện các văn bản chuẩn bị trình tại mỗi kỳ họp. Cũng từ công việc này mà vai trò, trách nhiệm của các ban chuyên trách HÐND tỉnh càng được biểu hiện rõ nét, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng mà cử tri trao gởi./.
Phạm Hải Nguyên