Sinh viên là lứa tuổi vừa bước vào chân trời mới với những ước mơ, hoài bão lớn về một tương lai tươi sáng. Họ mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng những đam mê tìm tòi khám phá tri thức trong nhà trường và thông tin mới, đa chiều từ xã hội. Họ thích thể hiện những thế mạnh của bản thân, dám mạo hiểm, dám dấn thân trước thử thách nhằm khẳng định mình. Tuy nhiên, đây là lực lượng chưa có nhiều kinh nghiệm trong nhìn nhận, đánh giá, phân tích các vấn đề chính trị, xã hội nên họ rất dễ bị lôi kéo, kích động, mua chuộc..., dần dần sẽ tạo nên một thế hệ yếu ớt, vô cảm, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội, cũng như đối với vận mệnh, tương lai của nước nhà.
Các bạn sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện tại Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau.
Những chiêu thức chống phá của các thế lực phản động
Thực tế, chúng ta không lạ gì trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhưng hoạt động này diễn ra ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn. Vẫn là các chiêu bài đăng tải hình ảnh cắt ghép, những bài viết có nội dung sai lệch, mập mờ, bịa đặt, xoáy vào các vụ tham nhũng, tiêu cực trong xã hội... nhằm kích động, gieo rắc tư tưởng hoài nghi, mơ hồ, bất mãn với xã hội, làm lung lay lập trường chính trị, suy giảm niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Ðảng trong xã hội nói chung, sinh viên nói riêng.
Ngoài ra, bọn phản động còn núp dưới danh nghĩa tôn giáo, các tổ chức phi Chính phủ, hoạt động từ thiện... để làm bình phong cho hoạt động chống phá Ðảng Cộng sản Việt Nam. Hoặc là chúng phát tán những văn hoá phẩm đồi truỵ, bạo lực... nhằm mục đích tạo ra một thế hệ có lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, ích kỷ, chạy theo ham muốn bản năng, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, vô cảm trước những cái xấu, cái sai, không dám đấu tranh bảo vệ cái đúng, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Mục đích cuối cùng của bọn chúng dần dần sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” trong bộ phận sinh viên nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Một số giải pháp bảo vệ tư tưởng trong sinh viên
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là một bộ phận của công tác tư tưởng, mang tính cấp bách, lâu dài, xuyên suốt, không được lơ là và trách nhiệm không của riêng ai. Ðể làm tốt công tác này, trong phạm vi đối tượng là sinh viên, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ Trung ương đến địa phương, từ nhà trường đến các tổ chức, đoàn thể và kể cả đối với mỗi gia đình.
Thứ nhất, đối với mỗi giảng viên, đặc biệt là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị: Ðể sinh viên tiếp thu một cách hứng thú, hiệu quả những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Ðảng qua các thời kỳ, đòi hỏi người giảng viên khi truyền đạt phải kết hợp thuyết trình lý luận với lồng ghép các vấn đề thực tiễn minh hoạ, để các em thấy rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn tri thức đem lại cho mỗi chúng ta thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn và khoa học trong nhìn nhận, đánh giá và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Ảnh minh họa sự xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nguồn: tạp chí Tuyên giáo Trung ương
Hơn nữa, để đủ sức thuyết phục người nghe thì đòi hỏi mỗi giảng viên khi đề cập đến các vấn đề trong xã hội phải có góc nhìn đa chiều để lập luận khoa học. Không được tô hồng hoặc bôi đen, mà phải chỉ ra được tính khách quan là trong mỗi sự vật, sự việc luôn tồn tại những mặt đối lập như tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, ưu điểm - hạn chế và giúp các em có cách nhìn nhận, đánh giá theo quan điểm toàn diện đối với các vấn đề xã hội đang diễn ra, để tránh dẫn đến hiểu sai, lệch lạc...
Bên cạnh đó, mỗi giảng viên phải thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở, cảnh báo để sinh viên có được kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn; biết phân tích, chọn lọc khi tiếp cận thông tin, nhận diện được bản chất của những luận điệu xuyên tạc đăng tải trên mạng xã hội; trước khi đọc, bình luận, chia sẻ cần phải xác định tác giả bài viết là của cá nhân hay tổ chức nào, trang web có chính thống hay không... Ðó là những kỹ năng rất cơ bản, nhưng nếu không được trang bị thì các em rất dễ mắc phải sai sót, dẫn đến nhận thức sai lầm, tư tưởng lệch lạc và hậu quả khôn lường...
Thứ hai, đối với gia đình, nhà trường và tổ chức Ðoàn Thanh niên: Nhà trường và tổ chức Ðoàn Thanh niên là nơi tập hợp, định hướng tư tưởng và hành động của sinh viên trong suốt quá trình học tập. Nếu trong giai đoạn này được định hướng đúng, các em sẽ vững vàng về tư tưởng, kiên định với mục tiêu đã chọn, tích cực phấn đấu học tập, rèn luyện và trong bất kỳ tình huống nào cũng không thể lung lay. Ðể phát huy vai trò to lớn đó, nhà trường và tổ chức Ðoàn Thanh niên cần phải có những biện pháp bồi dưỡng, chăm lo cả về tinh thần và vật chất cho các em.
Ðối với tuần lễ sinh hoạt công dân đầu khoá học, cần hết sức chú trọng nội dung và phương pháp. Ðây là bước đầu tiên giúp các em nhận thức được quyền và trách nhiệm của một sinh viên, để các em ý thức được mình cần phải làm gì trong quá trình học tập; qua đây định hướng cơ hội việc làm nhằm củng cố thêm cho các em động lực, nhiệt huyết với ngành học mình đã chọn; đồng thời thông qua công tác này, lồng ghép các chuyên đề thời sự, chính trị, xã hội để bước đầu định hướng tư tưởng cho các em.
Ðối với tổ chức Ðoàn Thanh niên trong nhà trường, cần phải có một “thủ lĩnh” với lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, thật sự có đức, có tài, nhiệt huyết, năng động... chỉ như vậy thì tiếng nói của bí thư đoàn mới đủ sức thuyết phục đoàn viên. Bên cạnh đó, Ðoàn Thanh niên cần có các chương trình hành động cụ thể như: hoạt động bảo vệ môi trường, tham gia công tác an sinh xã hội, thiện nguyện... để kêu gọi sinh viên tham gia cống hiến, nhằm khơi gợi tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2023.
Một giải pháp không thể thiếu đó là tổ chức đoàn cần tạo những hoạt động, sân chơi giải trí lành mạnh như: các cuộc thi liên quan đến chủ đề về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh..., hoạt động về nguồn, các câu lạc bộ, hội nhóm sinh hoạt về các chủ đề; các phong trào thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ, thu hút các em tham gia, nhằm giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội và các thủ đoạn lôi kéo của các thế lực thù địch; cũng như tạo cơ hội cho các em giao lưu, đoàn kết, có thêm niềm vui và ngày càng tin tưởng, gắn kết với tổ chức đoàn nhiều hơn.
Về phía gia đình, cha mẹ nên là người bạn, người thầy đồng hành cùng con, luôn quan tâm nhắc nhở, động viên con em mình phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường thì nhanh chóng phối hợp với nhà trường và các cơ quan chức năng để kịp thời uốn nắn, xử lý theo mức độ phù hợp, không được bao che, dung túng.
Thứ ba, đối với cơ quan có thẩm quyền các cấp: Cần xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, thành viên Ban Chỉ đạo 35 các cấp và đội ngũ biên tập viên, phóng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận chính trị chuyên sâu, am hiểu công nghệ thông tin và các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Ðảng và Nhà nước cần có chính sách thu hút nhân tài, chọn lựa những trí thức trẻ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng để đào tạo, bồi dưỡng, nhằm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, vì chỉ có làm chủ công nghệ thì chúng ta mới kịp thời nhận diện, ứng phó và xử lý hiệu quả từ thách thức của an ninh mạng trong thời đại công nghệ 4.0.
Thứ tư, đối với bản thân mỗi cán bộ, đảng viên: Dù đứng ở cương vị nào, công tác trên ngành nghề, lĩnh vực nào thì mỗi cán bộ, đảng viên phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; không chạy theo chủ nghĩa cá nhân; không chạy theo cám dỗ vật chất tầm thường; dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mạnh dạn trong công tác phê bình và tự phê bình; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động, nhất là phải rèn cho mình có được “sức đề kháng" trước nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyến hoá”. Chỉ có như vậy thì mỗi người cán bộ, đảng viên mới hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ có niềm tin, học tập và noi theo./.
Trương Kim Hảnh