(CMO) Trong thời đại đa dạng hoá các phương tiện thông tin truyền thông, hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng, cung cấp các thông tin chính thống, thiết thực cho cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các trạm truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa thu được kết quả như mong muốn, do cơ sở vật chất đã xuống cấp, đội ngũ phụ trách thiếu, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Phát thanh viên Đài Truyền thanh huyện Phú Tân trong giờ ghi âm.Ảnh: Phạm Nguyên |
Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đen cho biết, toàn tỉnh có 98/101 xã, phường, thị trấn có trạm truyền thanh. Trong đó có 81 trạm có dây và 17 trạm không dây đang sử dụng máy tăng âm để thu, phát tín hiệu truyền thanh. Còn lại 2 xã (Trần Thới và Thạnh Phú, huyện Cái Nước) và thị trấn U Minh (huyện U Minh) chưa có trạm truyền thanh.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trang thiết bị thu, phát sóng ở các trạm truyền thanh lắp đặt đã lâu nên nhiều nơi bị xuống cấp. Toàn tỉnh có 15 trạm truyền thanh phải ngưng hoạt động vì thiết bị hư hỏng, 76 trạm truyền thanh được đầu tư từ năm 2011 trở về trước đến nay chưa được thay mới.
Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất do thiếu kinh phí sửa chữa thì nguyên nhân khiến hoạt động của các trạm truyền thanh chưa thu được kết quả như mong muốn còn là vấn đề về nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Văn Đen cho biết thêm, hầu hết các trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn chỉ có duy nhất 1 cán bộ phụ trách; trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, phụ cấp thấp, lại làm việc cả ngoài giờ nên gặp nhiều khó khăn.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Thường trực HĐND tỉnh vừa qua, vấn đề tình hình hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở chưa thật sự hiệu quả được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, phần lớn người dân bức xúc trước thực trạng loa truyền thanh phát sớm với công suất lớn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở gần đó. Qua giám sát tại nhiều nơi, những trụ cột có loa gần nhà dân đều bị người dân cắt dây truyền dẫn, hoặc dùng cây đẩy miệng loa quay ngược lên trời để giảm âm thanh.
Theo anh Nguyễn Văn Tèo, người dân Khóm 1, Phường 8, TP. Cà Mau, cho biết, nhà rất gần với hệ thống loa phường và cũng từng bức xúc khi loa phát sớm và âm thanh lớn ảnh hưởng tới sinh hoạt. Song, anh thừa nhận nhiều thông tin trên loa phường rất cần thiết, như thông tin tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự hay thông báo lịch cắt điện, các thông báo của chính quyền địa phương… "Nếu giữ lại hệ thống loa này thì nên cải tiến, chia nhiều loa công suất nhỏ, lắp đặt ở nhiều nơi, thay vì chỉ để một loa công suất lớn. Mặt khác, chọn phát thanh viên giọng chuẩn, không để tình trạng đọc ngọng rất phản cảm", anh Nguyễn Văn Tèo chia sẻ.
Ông Phan Văn Nam, hội viên cựu chiến binh Khóm 3, Phường 8, TP. Cà Mau, cho rằng, hệ thống loa truyền thanh phường đang đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng cung cấp các thông tin chính thống, thiết thực cho cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, cần điều chỉnh âm lượng và thời gian phát phù hợp để không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân sống gần nơi bắt loa.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Trường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện khẳng định, thời gian qua, công tác thông tin cơ sở đã góp phần phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết tới người dân trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Các trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn là một trong những kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả, đắc lực, cần phải được duy trì, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 5/9/2016 Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông cơ sở. Đồng thời, nghiên cứu tìm giải pháp đổi mới hệ thống phát thanh cơ sở hiện đại hơn, hay hơn; nhất là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác này ở cơ sở, nhằm đảm bảo tuyên truyền đến tận người dân.
Như vậy, có thể khẳng định, hệ thống truyền thanh cơ sở là một kênh thông tin, tuyên truyền thiết thực. Tuy nhiên, trước thực tế đã qua, rất cần sự quan tâm đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để hệ thống truyền thanh cơ sở thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân
Trung Đỉnh