(CMO) Tỉnh có 1/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ (XMC) mức độ 1, đạt 11,19%; 8/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 2, đạt 88,9%. Cà Mau được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 1.
Thông tin trên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra công nhận tỉnh Cà Mau đạt chuẩn XMC mức độ 1 của Bộ GD&ĐT, vào chiều 14/6.
Đoàn kiểm tra do bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, làm Trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Thanh Luận, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD&ĐT.
Ông Nguyễn Thanh Luận, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD&ĐT, chia sẻ những khó khăn của tỉnh trong thực hiện công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết năm 1998 tỉnh Cà Mau đã được Bộ GD&ĐT công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia về công tác XMC, phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học; năm 2008 được công nhận đạt PCGD tiểu học đúng độ tuổi; tháng 12/2016 được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, tỉnh Cà Mau vẫn duy trì được chuẩn quốc gia PCGD, XMC và tỷ lệ đạt chuẩn mức độ ngày càng cao.
Tính đến tháng 12/2022, 101/101 xã, phường, thị trấn; 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, tỷ lệ 100%. Tỉnh duy trì đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi.
Có 101/101 xã, phường, thị trấn; 9/9 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3.
Về PCGD THCS, có 2/9 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn PCGD THCS mức độ 1, tỷ lệ 22,2%; 3/9 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn PCGD THCS mức độ 2, tỷ lệ 33,3%; 4/9 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn PCGD THCS mức độ 3, tỷ lệ 44,5%. Tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1.
Trong thời gian tới, Cà Mau tiếp tục duy trì và nâng cao thành tích đã đạt được để giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và công tác xoá mù chữ.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kết quả đã đạt được, đồng thời nêu lên những khó khăn về cơ sở vật chất trong công tác XMC; do điều kiện địa lý tự nhiên không thuận lợi, nhiều hộ dân kinh tế khó khăn phải cho con nghỉ học để phụ giúp gia đình; tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng biển, vùng khó khăn, người dân sống không tập trung, một bộ phận nhân dân sống không ổn định, định cư theo mùa, gây khó khăn trong việc huy động học sinh ra lớp…
Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả công tác PCGD, XMC; củng cố vững chắc kết quả phổ cập đối với những đơn vị đã đạt chuẩn, nâng dần mức độ đạt chuẩn, đồng thời nâng cao chất lượng các điều kiện đảm bảo PCGD, XMC. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn quốc gia XMC mức độ 2 và đến năm 2030 duy trì các tiêu chí đạt chuẩn XMC mức độ 2.
Bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, lưu ý tỉnh quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác xoá mù chữ.
Đại diện Đoàn kiểm tra, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Lê Thị Hằng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác PCGD, XMC trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Để duy trì, giữ vững tiêu chí PCGD mầm non, tiểu học, THCS và XMC mức độ 1, Ban chỉ đạo PCGD, XMC tỉnh Cà Mau cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa trong công tác PCGD và XMC trên địa bàn tỉnh.
“Có sự quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác XMC. Cần có giải pháp cụ thể về các chế độ, chính sách đối với giáo viên, đầu tư về cơ sở vật chất. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể; nâng cao các trung tâm học tập cộng đồng”, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên lưu ý.
Trước đó, trong hôm qua và sáng nay, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra thực tế công tác PCGD, XMC tại các địa phương trong tỉnh.
Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó trưởng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Bộ GD&ĐT, làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với huyện Ngọc Hiển, sáng ngày 14/6. Ảnh: HUỲNH TỨ
Quỳnh Anh