(CMO) Sáng ngày 20/3, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho 150 đại biểu là đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở địa phương.
Hội nghị tập huấn trang bị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở địa phương nắm thông tin cơ bản về tình hình thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022–2027” trên địa bàn tỉnh.
Có 150 đại biểu là phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin các huyện, thành phố tham dự.
Đề án đã xác định rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, UBND cấp huyện và cơ quan, tổ chức trong thực hiện Đề án. Mục tiêu cụ thể Đề án hướng đến là: “Từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Đây là Đề án mới, triển khai, thực hiện bước đầu còn có sự lúng túng, nhất là việc xác định nội dung dự thảo chính sách cần truyền thông; kỹ năng xây dựng tài liệu để truyền thông; kỹ năng thực hiện truyền thông và xử lý những thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách…
Giám đốc Sở Tư pháp, ông Võ Thanh Tòng, Phó chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh cho biết: “Bên cạnh việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương, chính sách nhanh chóng đến với người dân; nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách pháp luật được ban hành”./.
Kim Cương