(CMO) Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp, sáng kiến trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong năm 2022 đã phát huy hiệu quả. Trong đó, việc tiếp nhận TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng thông qua Zalo; thực hiện công khai TTHC bằng hình thức điện tử dưới dạng mã QR; thực hiện thí điểm liên thông một số TTHC trên địa bàn tỉnh Cà Mau... góp phần nâng chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Trung bình, tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn của các đơn vị đạt trên 99%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 99,72%.
Năm 2022, Cà Mau thực hiện 346 TTHC trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 254 TTHC thực hiện dịch vụ công mức độ 4 và 92 TTHC thực hiện dịch vụ công mức độ 3 (không bao gồm TTHC ngành dọc). Bên cạnh đó, có 346 dịch vụ công đã tích hợp, kết nối với cổng Dịch vụ công Quốc gia, tỷ lệ 100%. Ðồng thời, tỉnh đã đủ điều kiện để thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh có thể thấy rõ trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy trình nội bộ, liên thông và tái cấu trúc Quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến theo yêu cầu Ðề án 06 thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm 13 lớp tập huấn cho đối tượng cán bộ, công chức cấp huyện, xã và lớp tập huấn cho đối tượng công chức sở, ban, ngành tỉnh, với 1.339 lượt người tham dự. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) tiếp cận đầy đủ các quy định, quy trình thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Kết quả số hoá hồ sơ cũng như giải quyết TTHC, cấp tỉnh có 26.844/51.907 hồ sơ, tỷ lệ 51,72%; cấp huyện có 32.044/79.983 hồ sơ, tỷ lệ 40,01%; cấp xã có 41.396/159.893 hồ sơ, tỷ lệ 25,89%.
Người dân đến Bộ phận một cửa UBND Phường 1, TP Cà Mau giải quyết TTHC được nhân viên nơi đây hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến. |
Cùng với công tác tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ CB,CC,VC, UBND tỉnh còn triển khai thực hiện công khai TTHC bằng hình thức điện tử dưới dạng mã QR (QR Code) thay cho hình thức niêm yết trên bảng tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh và bộ phận một cửa các cấp. Song song đó là việc thực hiện dịch vụ bưu chính công ích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Toàn tỉnh hiện có 1.370 TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Vừa qua, cuộc thi “Tìm hiểu cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Cà Mau” với những kiến thức cần thiết trong công tác CCHC Nhà nước đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ CB,CC,VC của tỉnh về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC.
Ông Nguyễn Hoàng Thắng, Phó chánh văn phòng HÐND, UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin, các tổ chức, cá nhân đã có thể tra cứu thông tin và nắm được thủ tục đăng ký kinh doanh, khi đến bộ phận một cửa huyện sẽ được cán bộ hướng dẫn để người dân triển khai thực hiện trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia và liên thông qua cổng Dịch vụ công của Chi cục Thuế. Qua đó, tổ chức, cá nhân vừa có thể thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, vừa thực hiện kê khai mã số thuế. Thuận tiện, giảm thủ tục, giảm thời gian đi lại đã tạo tâm lý phấn khởi cho tổ chức, cá nhân khi đến cơ quan hành chính Nhà nước. Trong năm 2022, huyện Ngọc Hiển có 116 thủ tục được thực hiện/254 thủ tục phát sinh là thủ tục đăng ký kinh doanh.
Ông Lê Thế Nhân, giáo viên Trường THPT Hồ Thị Kỷ, chia sẻ: "Hiện nay nhiều phụ huynh đang quan tâm đến việc các em học sinh bị mất bằng tốt nghiệp, thủ tục làm lại bản sao bằng tốt nghiệp. Do đó, khi cuộc thi “Tìm hiểu CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Cà Mau” được triển khai, bản thân người tham gia sẽ là tuyên truyền viên tích cực đến phụ huynh, học sinh thông điệp là dù có bị mất giấy tờ liên quan đến việc học tập của con em thì phụ huynh nên bình tĩnh và tìm đến cơ quan, ban ngành, Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau, đến Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh để được hướng dẫn nhanh chóng hoàn thiện thủ tục bổ sung hồ sơ cho con em mình".
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, hồ sơ trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử đạt tỷ lệ theo quy định... góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi tham gia thực hiện TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Cà Mau đã và đang hướng tới. Tuy nhiên, mục tiêu này rất cần có sự hợp tác tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh, trình độ tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế nhất định. Cùng với những giải pháp đã và đang thực hiện, thời gian tới, Cà Mau sẽ phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng, tiếp cận, hướng dẫn người dân hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, tin tưởng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ có những bước tiến vượt bậc./.
Thanh Phương