ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 23-9-24 13:31:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nâng chất xã bãi ngang

Báo Cà Mau (CMO) Tân Thuận là xã bãi ngang ven biển của huyện Ðầm Dơi, nằm cách trung tâm tỉnh Cà Mau khoảng 35 km. Nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu là nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và mua bán nhỏ. Những năm gần đây, địa phương đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Ðời sống kinh tế phát triển, Nhân dân chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM), đem lại sức sống cho xã bãi ngang.

Tạo đòn bẩy giảm nghèo

“Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo là cách mà chính quyền xã đặc biệt quan tâm thực hiện thời gian qua, từ đó khơi dậy ý chí, tạo đòn bẩy để hộ nghèo vươn lên”, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận Trần Yến Phương cho biết.

Theo đó, những năm qua, xã lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn; huy động nguồn lực các mạnh thường quân xây dựng nhà, cầu cùng các chính sách, dự án phát triển hạ tầng nông thôn, từng bước hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo và nâng chất đời sống Nhân dân qua từng năm. Tính riêng năm 2018, hỗ trợ 20 hộ nghèo thực hiện mô hình nuôi heo và 3 mô hình nuôi dê, với 26 hộ tham gia, tổng nguồn vốn 755 triệu đồng. Năm 2019, hỗ trợ mô hình nuôi gà thịt với 25 hộ tham gia, mô hình nuôi vịt xiêm với 16 hộ tham gia, tổng vốn 413 triệu đồng. Năm 2020, hỗ trợ sinh kế thực hiện 3 mô hình nuôi vịt xiêm cho 36 hộ nghèo, với tổng vốn 624 triệu đồng.

Khu tái định cư từ dự án kè cấp bách Tân Thuận.

Lưu Hoa Thanh là ấp đông dân cư với 1.009 hộ, trong đó 75% hộ dân không đất sản xuất, sống bám biển, làm thuê. Năm 2009, số hộ nghèo của ấp lên đến 254 hộ và 20 hộ cận nghèo. Trưởng ấp Lưu Hoa Thanh Lê An Quốc chia sẻ: “Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước, địa phương chủ động tạo cơ hội để hộ nghèo tiếp cận vốn phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm, tạo thu nhập ổn định, từng bước giúp hộ nghèo vươn lên. Hiện ấp còn 63 hộ nghèo”.

Ðiển hình như trường hợp gia đình chị Phan Thị Út và anh Bùi Văn Kiên, không đất sản xuất, là hộ nghèo ở ấp nhiều năm liền. Thấy anh chị chí thú làm ăn, ngoài việc tạo điều kiện để vợ chồng chị Út tiếp cận các nguồn vốn từ chương trình, dự án của Nhà nước, ông Lê An Quốc còn cho chị Út mượn 50 triệu đồng không tính lãi để vợ chồng chị mua vỏ máy và dụng cụ đi biển. Riêng chị Út đi làm thuê tại các xí nghiệp thuỷ sản trên địa bàn lân cận, rảnh rỗi thì phơi ruốc thuê, nhận lú về nhà ráp... Ðến nay, kinh tế gia đình chị Út đã ổn định, thoát nghèo, cất được nhà khang trang trên 200 triệu đồng.

Gia đình chị Phan Thị Út (bên phải), hộ tiêu biểu vươn lên thoát nghèo ở ấp Lưu Hoa Thanh.

Cùng với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, Ban Thường vụ Ðảng uỷ xã phân công các ngành, đoàn thể xã giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trong hội viên trực thuộc của hội, đoàn thể. Các chi bộ trực thuộc Ðảng uỷ phân công đảng viên, các ngành, đoàn thể phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo và Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã phân công thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn ấp thực hiện công tác giảm nghèo hàng năm. Với cách làm trên, năm 2018 xã giảm được 116/555 hộ nghèo (14,4%), năm 2019 giảm thêm 174 hộ nghèo (9,92%), năm 2020 giảm tiếp 150 hộ nghèo (6,01%).

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Là xã bãi ngang, ven biển, địa bàn rộng, đông dân cư nên quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí NTM, Tân Thuận vướng phải những khó khăn, nhất là nguồn vốn lớn để đầu tư các tiêu chí như giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hoá... Song, địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực, khơi dậy tinh thần tự lực trong dân phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM.

Tuyến lộ bê-tông thoáng, rộng còn khá mới đi qua các ấp Thuận Hoà, Thuận Hoà A, giúp diện mạo vùng nông thôn trở nên khang trang, hiện đại hơn. Càng đẹp hơn khi mỗi nhà, người dân tự ý thức vun đất, trồng hoa, hàng rào cây xanh ven đường, đất trống thì trồng các loại cây ăn trái, hoa màu theo mùa... Vì thế, dù là vùng đất mặn nhưng cây trái, hoa màu luôn sum suê quanh năm. Hiện nay đang bước vào vụ bắp, bí rợ, cũng như nhiều hộ dân trong ấp, khu vườn nhà ông Huỳnh Văn Nghĩa (ấp Thuận Hoà A) phủ một màu xanh với liếp bắp, đu đủ đang cho trái, cùng nhiều loại hoa màu khác. Ông Nghĩa cho biết: “Bà con nơi đây trồng màu quanh năm, ngoài thu nhập từ vuông tôm thì hoa màu góp thêm đáng kể. Riêng gia đình tôi thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày từ rau màu, cây ăn trái”.

Ở ấp Thuận Hoà A, gia đình anh Ðinh Phi Hổ là hộ duy trì mô hình trồng màu hiệu quả nhiều năm qua. Tết Nguyên đán vừa rồi, anh Hổ lãi hơn 5 triệu đồng từ vụ dưa hấu, sau đó anh cải tạo đất xuống giống vụ bí, đến nay thu hoạch trên 5 tấn bí, lãi hơn 50 triệu đồng. Hiện tại anh còn 2 liếp bí với 900 dây đang tới lứa thu hoạch, dự kiến thu khoảng 3 tấn, với giá dao động từ 7.000-9000 đồng/kg, thu lãi từ 20-40 triệu đồng. Anh Hổ chia sẻ: “Gia đình có 2 ha đất sản xuất, thế nhưng những năm gần đây sản xuất kém hiệu quả, nhờ trồng màu mới có nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống”.

Ông Trương Văn Tỷ, Trưởng ấp Thuận Hoà A, cho biết: “Thấy điều kiện tự nhiên nơi đây thuận lợi cho hoa màu, cây trái sinh trưởng, chính quyền địa phương khuyến khích bà con tận dụng đất trống trồng màu, hộ có điều kiện thì đầu tư quy mô lớn hơn, góp phần tăng thu nhập. Hiện ấp có khoảng 30/271 hộ trồng màu quy mô lớn, xuất bán quanh năm; số hộ còn lại, ít nhất cũng có vườn rau phục vụ bữa cơm gia đình. Ngoài ra, địa phương còn vận động bà con tích cực trồng hoa, hàng rào cây xanh, thực hiện mô hình ánh sáng an ninh..., chung sức cùng địa phương xây dựng hoàn thiện các tiêu chí NTM”.

Tính đến nay, xã Tân Thuận đạt 8/18 tiêu chí, gồm quy hoạch, thuỷ lợi, thông tin và truyền thông, giáo dục, y tế, an ninh trật tự - xã hội, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hộ nghèo. Phấn đấu đến cuối năm nay tiếp tục xây dựng đạt 2 tiêu chí: môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Qua rà soát, có 3/12 ấp (Thuận Hoà, Thuận Hoà B và Thuận Lợi A) đạt bộ tiêu chí về ấp NTM, đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện công nhận.

Nhiệm vụ sắp tới trong công tác chỉ đạo thực hiện đạt các tiêu chí xã NTM còn hết sức nặng nề, song từ thành quả công tác giảm nghèo trên địa bàn xã, đến kết quả đạt được ở mỗi ấp trong xây dựng NTM và những cố gắng, nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình, Tân Thuận sẽ còn đạt nhiều thành tích hơn trên hành trình đổi mới quê hương./.

 

Loan Phương

 

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.