(CMO) Tân Hưng Đông từ lâu đã nức tiếng với đặc sản bồn bồn. Địa danh này còn gắn liền với tên tuổi lừng lẫy của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Bay, nữ Bí thư xã lãnh đạo quân và dân địa phương giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng Cái Nước, góp phần vào mùa xuân đại thắng 1975.
Và rồi, trong câu chuyện quê hương đổi mới, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông Nguyễn Văn Rở khoe: “Chừng nào về Tân Hưng Đông, ghé qua tham quan các mô hình năng lượng tái tạo và bền vững, hay lắm”. Vậy là chúng tôi về thăm Tân Hưng Đông, cùng hoà điệu với nhịp đi lên của đất và người nơi đây.
Điểm nhấn từ công nghệ mới
Phó chủ tịch UBND huyện Cái Nước Huỳnh Hùng Em đánh giá: “Phát triển ứng dụng năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới cũng như ở Việt Nam, được thể hiện qua các văn bản chỉ đạo đồng bộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan cấp bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương”.
Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh - GreenID (là một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam, được thành lập bởi Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là thành viên và điều phối của Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam), Dự án “Thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững tại Cà Mau được triển khai, để góp phần quản trị tốt nguồn tài nguyên nước khu vực Mê Kông giai đoạn 3” do tổ chức Oxfam tài trợ, đã hoàn thành các hoạt động triển khai tại xã Tân Hưng Đông và xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Đèn năng lượng mặt trời góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông cho bà con vùng quê Tân Hưng Đông. Ông Hùng Em cho biết, Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước đã thực hiện dự án bao gồm thành lập được 3 nhóm hộ kinh doanh: (bóng đèn LED, Biogas và bếp đun cải tiến) được nâng lên từ các đội thợ của giai đoạn trước, mô hình đèn LED đã được 163 hộ ứng dụng (tổng số 382 bóng đèn); mô hình biogas đầm tôm 6 hộ, biogas chăn nuôi heo 16 hộ ứng dụng; mô hình bếp đun cải tiến có 14 hộ ứng dụng, song song đó hộ kinh doanh bếp cũng đã phát triển ý tưởng từ bếp đun cải tiến thành lò đốt rác có chức năng nấu nướng, được 212 hộ ứng dụng. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ xã thực hiện 1 mô hình tuyến đường đèn bằng năng lượng mặt trời (33 trụ), 1 công trình hệ thống lọc nước bằng pin năng lượng mặt trời, 1 công trình sân chơi xanh, 2 trường thực hiện chương trình trường học xanh, 2 câu lạc bộ Ngôi sao xanh được thành lập và đi vào hoạt động. Đánh giá về những ưu điểm của các mô hình này, ông Hùng Em nhấn mạnh: “Đây là những mô hình dễ thực hiện, với những nguyên liệu có sẵn tại địa phương, gắn chặt với điều kiện sản xuất, kinh tế của người dân địa phương và các điểm trường học, đặc biệt là thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, nhiên liệu và rất có ích trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày”.
|
Lắp đặt đèn năng lượng mặt trời tại xã Tân Hưng Đông. |
Cũng theo ông Hùng Em, phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, giáo viên, Nhân dân và các em học sinh trên địa bàn xã Tân Hưng Đông. Và đây cũng là những tiền đề thúc đẩy xã Tân Hưng Đông hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian sắp tới.
Những mô hình được hỗ trợ triển khai tại xã Tân Hưng Đông hoàn toàn có thể là gợi ý tham khảo hữu ích đối với hầu hết các vùng nông thôn Cà Mau. Tuy nhiên, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về việc ứng dụng các mô hình năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo như kinh phí đầu tư ban đầu lớn, chưa có đội ngũ kỹ thuật tại chỗ để vận hành, bảo trì. Ý thức và thái độ của người dân khi tiếp cận cái mới vẫn khá dè dặt, cần thời gian để làm quen và chấp nhận. Tuy nhiên, những điều ấy không thể làm mờ nhạt đi những hiệu ứng tích cực mang lại cho cộng đồng, xã hội.
Những lợi ích vượt trội
Trung tá Nguyễn Việt Bằng, Trưởng Công an xã Tân Hưng Đông, cho biết: “Địa bàn Tân Hưng Đông tiếp giáp với thị trấn Cái Nước, có tuyến Quốc lộ 1 đi ngang, địa bàn rộng, rất dễ nảy sinh các loại tội phạm. Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng được các mô hình năng lượng bền vững, tái tạo trong cộng đồng như “Thắp sáng đường quê”, “Ánh sáng an ninh”, tình hình an ninh của các ấp rất ổn định, đặc biệt là rất ít xảy ra các vụ trộm cắp”. Trong các mô hình, đèn năng lượng mặt trời phủ kín các ấp Hoàng Lân, Đông Hưng nhận được phản hồi hết sức tích cực của người dân.
Ông Mai Văn Bông, ấp Hoàng Lân, đánh giá: “Đèn mặt trời hay lắm. Cứ tới giờ là sáng, mưa nắng gì cũng vậy. Có đèn người chạy xe dễ dàng hơn, trộm cắp cũng bớt hoành hành”.
Anh Nguyễn Văn Khải, làm nghề buôn bán tại ấp Hoàng Lân, chia sẻ: “Trước tụi trộm cắp manh động dữ lắm, nhà phải chong đèn suốt đêm, tiền điện cũng tốn bộn. Có trụ đèn năng lượng mặt trời thì khỏi tốn điện, khoẻ re”.
Cũng từ phản hồi của bà con, đèn năng lượng mặt trời có cường độ chiếu sáng hơi yếu hơn so với các loại đèn điện thông thường. Ông Nguyễn Văn Thi, ấp Đông Hưng, đề xuất: “Đèn năng lượng mặt trời ưu điểm quá rồi, nếu sáng thêm chút nữa thì tuyệt vời”.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông Nguyễn Văn Rở chia sẻ: “Bà con rất ủng hộ chúng tôi trong việc thực hiện các dự án dùng năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững. Hiệu quả mang lại từ các mô hình vô cùng tích cực, vấn đề không chỉ duy trì mà còn cần phải nhân rộng các mô hình này. Đây là xu thế phát triển, nếu mạnh dạn thực hiện sẽ thu về rất nhiều lợi ích”.
Các xã lân cận và các địa phương khác cũng đã quan tâm, tìm hiểu và tham quan các mô hình năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững tại Tân Hưng Đông. Nói về khả năng phát triển các mô hình năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững, ông Rở khẳng định: “Mình quyết tâm thì sẽ làm được thôi. Trụ đèn năng lượng tầm 2 triệu đồng, bảo hành tới 10 năm, tính đi tính lại vẫn lời, mà quan trọng nhất là vừa đẹp, vừa bảo vệ môi trường”.
Tài nguyên tự nhiên đang bị khai thác quá mức, riêng Cà Mau, tài nguyên nước bị vắt kiệt đã gây ra những hệ luỵ vô cùng khốc liệt như sụp lở, khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất... Việc xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững là lựa chọn có thể giảm thiểu tác động của con người đối với tự nhiên, là thái độ ứng xử khôn ngoan, không có thiệt mà chỉ có lợi ích. Các mô hình được triển khai, vận hành tại Tân Hưng Đông thực sự tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực cần được ủng hộ, nhân rộng khắp thôn quê Cà Mau trong tương lai./.
Phạm Quốc Rin