(CMO) Toàn hiện có 878 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm; 6.785 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 1.750 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 2.474 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong quý I năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra định kỳ, qua đó phát hiện 183 cơ sở vi phạm (nhắc nhở 176 cơ sở, xử phạt hành chính 7 cơ sở với số tiền 7,6 triệu đồng). Thực tế cho thấy, còn nhiều cơ sở kinh doanh thờ ơ với vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Chính vì vậy, để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh triển khai chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 là: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, cho biết.
Trong tháng cao điểm, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các đơn vị chức năng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm theo quy định của pháp luật. |
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ diễn ra từ ngày 15/4-15/5. Ông Dũng cho biết, trong khuôn khổ tháng hành động, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi toạ đàm, nói chuyện chuyên đề về ATTP. Huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình SXKD thực phẩm an toàn trên địa bàn, phù hợp quy định của pháp luật.
Ðồng thời, huy động hệ thống loa truyền thanh tuyến xã tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về ATTP, cũng như cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức, cá nhân SXKD, quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình SXKD các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương... Ðặc biệt, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi SXKD thực phẩm trái pháp luật.
"Xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm."
Ðược biết, Tháng hành động vì ATTP nhằm truyền tải các thông điệp: Bảo đảm an ninh, ATTP là trách nhiệm của chính quyền các cấp, của toàn xã hội. SXKD thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khoẻ cộng đồng, vì sự phát triển bền vững. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở SXKD vi phạm quy định về an ninh, ATTP. Vì sức khoẻ người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng hoá chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, ATTP là trách nhiệm của mỗi người. Phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn vì sự phát triển nông nghiệp bền vững... Ðặc biệt, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
“Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm an toàn được phát hiện trong quá trình kiểm tra lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm. Áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở SXKD vi phạm quy định về ATTP, khắc phục hậu quả; tịch thu tang vật, thu hồi, tiêu huỷ sản phẩm vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh./.
Kim Cương