(CMO) Thời gian qua, lợi dụng sự phát triển của Internet và mạng xã hội, các đối tượng xấu đã lập ra nhiều trang mạng xã hội (trên nền tảng Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram…) giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của tổ chức, cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; bôi nhọ danh dự tổ chức, cá nhân… Hành vi này diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp.
Thủ đoạn chủ yếu của nhóm đối tượng này là giả mạo cổng thông tin điện tử cơ quan, tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thu thập thông tin cá nhân người dân trái phép (thông tin căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng…); mạo danh cơ quan, tổ chức để mua bán công cụ hỗ trợ, thiết bị phòng cháy chữa cháy không đủ tiêu chuẩn; quảng cáo hàng cấm, hàng giả, hàng nhái; mạo danh nhằm phát tán thông tin sai lệch; sử dụng hình ảnh phản cảm, lan truyền thông tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng, gây hoang mang trong quần chúng…
VNPT cố gắng nghiên cứu hình thức phù hợp để thông báo đến thuê bao di động biết 2 hình thức phản ánh về cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. |
Ngoài ra, gần đây các đối tượng xấu còn gọi và nhắn tin để lừa đảo, mồi chài cho vay, đòi nợ, đe doạ… làm ảnh hưởng không nhỏ đời sống tinh thần người dân và an ninh trật tự trên địa bàn.
“Nhằm góp phần ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trên không gian mạng, đơn vị vừa có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tăng cường tuyên truyền nâng cao cảnh giác giả mạo tổ chức, cá nhân và ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác. Theo đó, đề nghị các cơ quan báo chí và Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau tăng cường tần suất thông tin tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn nêu trên", ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết.
Ðối với người dân, ông Chính khuyến cáo: "Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân công khai trên mạng xã hội, để các đối tượng có thể lợi dụng vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, người dân không đăng nhập vào các đường link yêu cầu mã OTP gửi về qua điện thoại. Không cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc. Không công khai tài khoản ngân hàng trên các trang mạng xã hội; nếu buộc phải công khai để phục vụ mục đích kinh doanh thì hạn chế thấp nhất số tiền trong tài khoản ngân hàng; thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập trên các nền tảng xã hội, đặt mật khẩu có tính bảo mật cao để tránh bị các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản. Ðặc biệt, người dân không được tin theo các thông tin lan truyền trên mạng khi chưa được xác thực, kiểm chứng. Cần tìm đến những thông tin được đăng tải trên các trang chính thống, góp phần ngăn chặn các thông tin xấu độc, sai sự thật lan truyền trên không gian mạng hiện nay”.
Ông Chính cho biết thêm, để tăng cường hiệu quả trong tiếp nhận và xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, từ ngày 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thí điểm đầu số 156, tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, qua 2 hình thức thoại và tin nhắn (đầu số 5656 vẫn duy trì hoạt động). Cụ thể, gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, trong đó với tin nhắn rác: S (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656). Với cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác: V (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656). Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, trích dẫn một số nội dung có liên quan...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
Ðầu số 156 được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Theo đó, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, các doanh nghiệp viễn thông sẽ xác minh thông tin thuê bao của số thuê bao có hành vi phản ánh phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, từ đó yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không dùng quy định. Ðồng thời, các doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi các nội dung phản ánh tới cơ quan chức năng để tổng hợp, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
“VNPT Cà Mau, Viettel Cà Mau, MobiFone Cà Mau nghiên cứu hình thức phù hợp để thông báo đến thuê bao di động biết 2 hình thức phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo nêu trên", ông Chính yêu cầu./.
Kim Cương