ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 17-7-25 18:14:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngăn ngừa bạo lực học đường từ sớm, từ xa

Báo Cà Mau

Bạo lực học đường (BLHĐ) hiện là vấn đề nóng của toàn xã hội. Nó đã và đang trở thành mối bận tâm lớn của nhiều gia đình, nhà trường, nỗi trăn trở của cộng đồng, tạo ra những dư luận, ảnh hưởng xấu và những bức xúc đối với ngành Giáo dục. Với tính chất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến công tác giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, năng lực của học sinh (HS), vấn nạn BLHĐ rất cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội trong việc chủ động ngăn ngừa từ xa, từ sớm.

Vụ việc học sinh lớp 9 dùng nón bảo hiểm đánh học sinh lớp 11. Ảnh cắt từ clip

Thực trạng đáng báo động

BLHĐ ngày càng có xu hướng phức tạp hơn và tồn tại với nhiều dạng thức: bạo lực về vật chất, về thể xác, về tinh thần; bạo lực giữa các HS nam, giữa các HS nữ, giữa HS nam và HS nữ; bạo lực từ phía HS với giáo viên, giáo viên với HS hay bạo lực giữa phụ huynh với HS, giáo viên…

Theo số liệu báo cáo của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, từ tháng 9/2022 đến nay, đã có hơn 30 vụ BLHĐ, liên quan đến 155 HS, trong đó 66 HS nữ (chiếm tỷ lệ 42,58%); số HS chịu tổn hại về vật chất là 12 em. Điển hình trong số đó là vụ việc vào ngày 30/3/2023, tại Trường tiểu học Kim Đồng (TP. Bạc Liêu), 2 nữ sinh đánh bạn nữ cùng lớp. Hay vụ việc ngày 18/9/2023, 1 nữ sinh lớp 9 của Trường THCS Trần Huỳnh (TP. Bạc Liêu) đã vào cổng Trường THPT Phan Ngọc Hiển dùng nón bảo hiểm đánh tới tấp 1 HS nữ lớp 11C của trường này. Vụ việc được nhiều người quay clip lại, chia sẻ lên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Gần đây nhất là hành vi, thái độ không chuẩn mực của gia đình một HS với Ban giám hiệu, giáo viên xảy ra tại một trường THCS trên địa bàn huyện Phước Long, mà nguyên nhân xuất phát từ trò đùa quá trớn của các em HS. Ranh giới từ đúng thành sai, từ vai trò của người bị bạo lực trở thành người thực hiện hành vi bạo lực thật mong manh quá!

Qua các vụ việc cho thấy, hình thức thực hiện các hành vi BLHĐ rất đa dạng như: nói tục, chửi thề, nói xấu, chia rẽ bè phái, miệt thị; nhắn tin hoặc gửi thư uy hiếp, bắt nạt, trấn lột đồ đạc hoặc tiền bạc; uy hiếp bằng hình ảnh, thông tin mang tính chất bạo lực, đồi trụy trên mạng Internet; dùng vũ lực như tát, đá, đấm, đánh, giật tóc; quay video clip các hành vi bạo lực và đưa lên mạng Internet… Điều này gây ra tổn hại và để lại nỗi ám ảnh rất lớn cả về thể chất lẫn tinh thần đối với người bị bạo lực.

Thẳng thắn nhìn nhận, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện nay công tác giáo dục phòng, chống BLHĐ cho HS vẫn còn một số nhà trường chưa thực hiện chu đáo và duy trì đều đặn trong suốt năm học. Việc xây dựng kế hoạch và kiểm tra công tác phòng, chống BLHĐ tuy có triển khai nhưng chưa thật sự đầy đủ, kịp thời và đúng mức. Việc xử phạt các hành vi BLHĐ của HS tại một số nhà trường chưa nghiêm nên ít có tác dụng giáo dục và phòng ngừa…

Tạo thêm nhiều sân chơi, hoạt động trải nghiệm để gắn kết học sinh, xây dựng những tình bạn đẹp, phòng ngừa bạo lực học đường. Ảnh: Đ.K.C

Hiệp lực ngăn ngừa từ sớm, từ xa

Nói về nguyên nhân dẫn đến các vụ BLHĐ, ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, chỉ ra: “Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến BLHĐ ngày càng gia tăng, như: ảnh hưởng từ môi trường gia đình, do cha mẹ ít quan tâm, buông lỏng việc dạy dỗ con cái; sống trong cộng đồng dân cư có điều kiện sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nơi có nhiều tệ nạn xã hội và ít có sự gắn kết cộng đồng; công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học còn nhiều hạn chế, trường học chưa thật sự siết chặt quản lý. Đó là còn chưa kể sự ảnh hưởng bạo lực từ phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử, căng thẳng do học hành thua kém hay vì những lý do về tâm sinh lý lứa tuổi đã khiến HS có trạng thái tâm lý bất mãn, muốn thể hiện mình. Hay sự căng thẳng trong công việc đã khiến giáo viên không kiểm soát được hành vi; nhiều trường hợp nhà trường xử lý bạo lực chậm trễ, không dứt điểm và chưa mang tính răn đe…”.

Từ việc nhìn rõ những hạn chế, nguyên nhân sâu xa của BLHĐ, đã đến lúc ngành Giáo dục, gia đình, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội cần đồng lòng, hiệp lực để ngăn ngừa từ sớm, từ xa vấn nạn nguy hiểm này. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình HS và cộng đồng về phòng, chống BLHĐ; phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi để ngăn chặn từ sớm. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLHĐ để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của HS, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân; các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác…

Ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học, các trường cần trang bị cho HS nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời, cần tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi… giúp HS nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục HS. Nhà trường nên hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ HS kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục con. Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử, tư vấn tâm lý và giải quyết các tình huống sư phạm.

Song song đó, cần phối hợp tốt với lực lượng công an tại địa phương thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại khu vực trường học. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của địa phương xây dựng và đồng bộ hóa hệ thống dữ liệu quản lý thông tin người học trên địa bàn để theo dõi; kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý và thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, các hành vi BLHĐ liên quan đến trẻ em, HS, sinh viên; vi phạm đạo đức nhà giáo…

Từ những giải pháp mang tính căn cơ, ngăn ngừa BLHĐ ngay từ gốc rễ, hy vọng vấn nạn BLHĐ sẽ sớm được đẩy lùi để trường học mãi là địa chỉ an toàn, đáng tin cậy mà gia đình, xã hội gửi gắm để HS được giáo dục toàn diện, vô lo phát triển nhân cách, năng lực bản thân.

Kim Trúc

Những người bền bỉ "gieo chữ"

Không chỉ vững chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Lê Thị Anh Thư và cô Lã Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (phường An Xuyên) còn là những tấm gương điển hình về lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò. Mới đây, cả hai vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2025.

Tỉnh Cà Mau có Tạp chí Khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm

Chiều 15/7, Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Bạc Liêu (tạp chí in và tạp chí điện tử) và bổ nhiệm Tổng Biên tập.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Đảm bảo công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 diễn ra thuận lợi

Sau khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, ngành giáo dục Cà Mau giữ ổn định toàn bộ phương án tuyển sinh, không gây xáo trộn để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.

Phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu năm học mới

Năm học mới đang cận kề, tuy nhiên nhiều trường học trên địa bàn phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng học sinh theo cha mẹ chuyển về khu vực trung tâm hành chính tỉnh Cà Mau ngày càng tăng, dẫn đến lượng hồ sơ nhập học giảm mạnh. Tình trạng này gây khó khăn cho việc tổ chức lớp học, sắp xếp giáo viên và ổn định công tác giảng dạy.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Đảm bảo được tính nghiêm túc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Bạc Liêu đã khép lại với sự an toàn, nghiêm túc. Dù thời tiết mưa nắng thất thường gây ít nhiều trở ngại, nhưng các thí sinh (TS) vẫn đến điểm thi đúng giờ, nỗ lực hoàn thành tốt từng môn thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Quyết tâm đảm bảo an toàn, nghiêm túc tối đa

​Với tính chất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tương lai của hàng ngàn thí sinh, nên các cấp lãnh đạo, các ban, ngành của Bạc Liêu, nhất là ngành Giáo dục đang nỗ lực với quyết tâm rất cao để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 một cách an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Quyền Giám đốc Sở GD-ĐT: Bạc Liêu đã sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân sự cho kỳ thi tốt nghiệp

​Chỉ còn 2 ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chính thức diễn ra. Để tổ chức kỳ thi thành công, vai trò của ngành Giáo dục là rất lớn.

Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tự hào và tỏa sáng

​Năm 2024 vừa qua được xem là mốc son lịch sử trong hành trình 40 năm xây dựng và phát triển của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Bạc Liêu. Cũng ngần ấy năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã không ngừng khẳng định thương hiệu và tỏa sáng toàn diện.