(CMO) Năm học 2017-2018, ngành giáo dục huyện Đầm Dơi đứng trước thách thức lớn, khi 16/32 trường được công nhân đạt chuẩn quốc gia đã đến thời điểm kiểm tra công nhận lại, với tổng nguồn kinh phí sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất gần 9,5 tỷ đồng. Nhưng khó khăn nhất vẫn là những trường đạt chuẩn theo Quyết định 32/2005/QĐ-BGD&ĐT, cần phải đầu tư thêm nhiều hạng mục với kinh phí cao.
Bình quân kinh phí đầu tư 1 phòng tin học khoảng 200 triệu đồng/phòng, nhưng hiện tại, theo tổng hợp của Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi, có đến 15/16 trường phải đầu tư thêm phòng tin học. Như vậy, riêng nguồn vốn đầu tư cho phòng tin học đã lên đến 3 tỷ đồng. Trong khi đó, để xét đạt chuẩn, các trường còn phải đầu tư thêm nhiều hạng mục khác. Chẳng hạn, số lượng phòng học phải đảm bảo 50% học sinh tham gia học 2 buổi/ngày. Bên cạnh việc sửa chữa, nâng cấp phòng học để đáp ứng đúng tiêu chuẩn thì cần phải được sơn sửa lại mới, từ đó cần nguồn vốn khá lớn.
Năm học 2015-2016, ngành giáo dục huyện Đầm Dơi nhận được gần 8 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu sửa chữa, nhưng để duy tu và nâng cấp để công nhận đạt chuẩn lại trong năm 2017 thì ngành giáo dục huyện cần phải đầu tư nhiều hạng mục công trình và số tiền đầu tư sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.
Giáo viên Trường Tiểu học Cái Keo sửa chữa bàn ghế cũ chuẩn bị cho năm học mới. |
Trường Tiểu học Cái Keo (xã Quách Phẩm) đạt chuẩn từ năm 2004, đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp. Thầy Trương Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Nhiều hạng mục của trường đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, như sân trường, phòng học mỹ thuật và âm nhạc; bàn ghế... Bên cạnh đó, theo Thông tư 59/2012/TT-BGD&ĐT, nhà trường cần phải bổ sung thêm phòng tin học".
Tương tự Trường Tiểu học Cái Keo, Trường Tiểu học Bến Bào cũng gặp khó khăn bởi thiếu phòng dạy tin học. Bên cạnh đó, trường còn có 4 điểm lẻ, việc tập trung xây dựng điểm chính đã đặt ra một khó khăn lớn với nhà trường và nguồn kinh phí tu sửa các điểm lẻ gần như phải xã hội hoá. Điểm lẻ ấp Nhà Dài và ấp Nhà Cũ, dãy phòng cấp 4 sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, tường bị bong tróc. Điểm lẻ ấp Kênh Cạn thì hành lang lớp học bị nước ngập, gây khó khăn khi đi lại.
Thầy Ngô Quang Be, Phó hiệu trưởng nhà trường, lo lắng: “Mặc dù hằng năm nhà trường đã vận động phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương hỗ trợ sửa chữa cơ bản, nhưng do nguồn xã hội hoá còn hạn chế nên chưa thể khắc phục nhiều. Tại điểm trường ấp Đường Đào hiện nay chúng tôi đã kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm được 8 triệu đồng, dự tính trong hè này sẽ sửa lại những nơi tường bị rơi vữa và một số hạng mục nhỏ khác. Còn tại điểm trường ấp Kênh Cạn, sắp tới đây, nhà trường sẽ khắc phục bằng cách đào một đường thoát nước ra sông, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, nếu trời mưa lớn thì không thể thoát nước kịp”.
Ông Võ Lợi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi, cho biết: “Hằng năm, vào cuối năm học, Phòng GD&ĐT đều tổ chức khảo sát và đánh giá chất lượng trường học, từ đó tiến hành sửa chữa. Riêng đối với các điểm trường lẻ, Phòng GD&ĐT bàn giao cho giáo viên phụ trách điểm trường phối hợp cùng địa phương sử dụng nguồn xã hội hoá. Bên cạnh đó, tại các trường, với những hạng mục sửa chữa nhỏ, nhà trường sẽ vận động phụ huynh học sinh, tranh thủ tìm nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm. Đó là những giải pháp chủ động, nhưng với nguồn vốn sửa chữa lớn như hiện nay thì còn phải chờ sự hỗ trợ từ kinh phí vì sự nghiệp giáo dục của huyện và tỉnh”.
Năm học 2016-2017, kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất của ngành giáo dục huyện Đầm Dơi trên 11,8 tỷ đồng, trong đó có 12 điểm trường lẻ cần phải sửa chữa và nâng cấp phòng học do xuống cấp trầm trọng. Thiết nghĩ, nếu ngành giáo dục vẫn chưa thể ghép các điểm lẻ về điểm chính, thì cần phải có giải pháp đầu tư hoặc hỗ trợ học sinh tại các điểm lẻ còn khó khăn. Việc sửa chữa "cầm hơi" của các trường chỉ là giải pháp tạm thời, không thể đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Việc đạt chuẩn hoặc tái đạt chuẩn sẽ càng gặp khó khăn hơn./.
Khánh Phương