Cà Mau có rất nhiều ngư dân hành nghề khai thác thuỷ sản bằng công cụ lưới rê, lưới vây, lưới kéo, lưới câu mực, lưới đáy sông, hàng cạn, hàng khơi, lưới lú đặt tôm trên sông rạch, vuông tôm... Vì vậy, công việc hậu cần nghề cá ở vùng ven biển phát triển, nhất là nghề đan lưới, vá lưới.
Sau mỗi chuyến ra khơi, lưới cá thường hỏng, rách do tác động trong khi đánh bắt, nên nhu cầu vá lưới rất cao. Từ đó, vá lưới trở thành nghề mưu sinh của rất nhiều lao động, đa số là phụ nữ ở vùng ven biển như cửa biển Sông Ðốc, Cái Ðôi Vàm, Khánh Hội, Ðất Mũi... Chị em thường làm vào ban ngày và ăn công theo giờ. Công việc vá lưới rất đơn giản, mỗi người mỗi khâu khác nhau như: vá lưới, cột viền, kết phao... Mỗi ngày, một người kiếm được từ 250-300 ngàn đồng.
Ðể chuẩn bị ngư cụ cho phương tiện đánh bắt mỗi chuyến ra khơi, cần hàng trăm lao động vá lưới. Từng nhóm thợ ngồi trên những con tàu, những sân phơi tỉ mẩn vá lưới đã trở thành hình ảnh đẹp đặc trưng của cư dân vùng biển Cà Mau.
Trong nghề vá lưới, công đoạn cột viền lưới, kết phao nặng nhọc hơn, nên thường có sự góp sức phối hợp của thanh niên.
Nghề vá lưới hàng khơi ở cửa biển Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, giúp phụ nữ tăng thu nhập.
Bà Trần Thị Liên với nghề đan lưới 3 màng phục vụ đánh bắt ghẹ, cá ở vùng Ðất Mũi.
Khi hàng trăm tàu cá vùng biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cập bến, cũng là lúc các nhóm người làm nghề vá lưới tập trung làm việc trên những chiếc ghe, gấp rút hoàn thành các tấm lưới vây cho kịp chuyến ra khơi.
Hằng năm, các ngành chức năng huyện Trần Văn Thời tổ chức hội thi vá lưới vào dịp Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, qua đó nhằm nâng cao tay nghề, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và góp phần thắt chặt tình đoàn kết.
Lưới sau khi vá xong được kiểm tra lại lần nữa trước khi giao cho chủ tàu, chuẩn bị chuyến ra khơi đánh bắt.
Huỳnh Lâm thực hiện