ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:43:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghệ nhân Trâm Anh hết mình vì nghệ thuật

Báo Cà Mau (CMO) Về huyện Ngọc Hiển, nhắc đến tên Nghệ nhân Trâm Anh dường như ai cũng biết. Bởi nhiều năm qua chị được xem như cánh chim đầu đàn của đội văn nghệ thuộc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện và cũng là người miệt mài giữ lửa cho phong trào đờn ca tài tử nơi đây thêm phần khởi sắc.

Nghệ nhân Trâm Anh.

Gặp chị vào một trưa vội vã không hẹn trước, tôi được nghe thật nhiều những chia sẻ về niềm đam mê ca hát, về những cố gắng cho hoạt động văn hoá - văn nghệ cũng như sự đau đáu cho việc bảo tồn loại hình đờn ca tài tử, mặc dù chị biết "một vài cánh én không thể làm nên mùa xuân".

Sinh ra và lớn lên tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), cô bé Lê Thị Bước (tên thật của Nghệ nhân Trâm Anh) sớm yêu cải lương qua từng câu hò, điệu lý ru con của má, rồi lén gia đình đi theo anh Hai học hát cổ nhạc. Năng khiếu nghệ thuật được Nghệ sĩ Ngọc Ẩn - một danh ca ở Sài Gòn lúc bấy giờ phát hiện và ra sức truyền dạy bài bản tận tình cho cô học trò nhỏ. Như được tiếp thêm ngọn lửa đam mê, cô bé lĩnh hội kiến thức rất nhanh và không bao lâu đã thành thạo hết ba nam sáu bắc cùng những bài bản tài tử, cũng chính từ đó niềm ước mơ được một ngày đứng trên sân khấu cứ thế lớn dần.

Năm 1990, khi mới vừa tròn 16 tuổi, chị bắt đầu đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp ở Đoàn Sân khấu trẻ Sóc Trăng từ những vai phụ, đào con... Để rồi 2 năm sau đó, chị nhanh chóng trở thành đào chánh của Đoàn Cải lương An Giang Quốc Hương, nghiễm nhiên đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ cùng thời như NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Cẩm Tiên, NSƯT Phượng Hằng... Với sắc vóc đẹp cùng chất giọng kim pha thổ cao vút, cô đào trẻ được nhìn nhận như một gương mặt sáng giá đầy triển vọng trong tương lai không xa.

Theo lời chị kể, giai đoạn đó đoàn hát thường di chuyển bằng ghe, cuộc sống nghệ sĩ rất khó khăn, có những khi ghe tàu của đoàn bị đắm trên bước đường lưu diễn, hay đôi lúc túng thiếu đến nỗi nước mắm chan cơm để hát, nhưng tất cả vẫn không làm chùn bước chân nghệ thuật của chị.

5 năm theo Đoàn Cải lương An Giang Quốc Hương, khi tên tuổi dần được công chúng biết đến, đoàn hát chợt liên tiếp có nhiều biến cố, sân khấu thưa dần khán giả. Nếu tiếp tục gắn bó với nghề, tương lai sẽ rất mờ mịt. Nghĩ vậy, Trâm Anh quyết định lập gia đình, theo chồng về Cà Mau. Những tưởng việc ca hát từ đây sẽ phải tạm ngưng với những nuối tiếc, nhưng rồi dường như Tổ nghiệp đã sắp đặt (chị thường tin như vậy), con đường nghệ thuật lại được nối tiếp, nhưng bằng một hướng mới thay vì phiêu bạt theo đoàn hát như trước.

Năm 1997, Trâm Anh vinh dự đoạt giải Nhất trong cuộc thi văn nghệ "Giọng hát hay mừng Đảng, mừng Xuân" do huyện Thới Bình tổ chức, ngay sau đó chị nhận được lời mời về công tác tại Trung tâm Văn hoá huyện Thới Bình, phụ trách mảng văn nghệ. Đến năm 2007, cũng với công việc này, chị về công tác tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Ngọc Hiển đến nay.

Đúng với sở trường của mình, cộng với vốn nghề đã được trau dồi từ các đoàn hát trước đó, chị nhanh chóng thích nghi và phát huy tối đa năng lực nghệ thuật với nhiều vai trò khác nhau như: diễn viên biểu diễn, chịu trách nhiệm về biên tập hay dàn dựng chương trình (ca múa kịch) của đội văn nghệ trung tâm văn hoá.

Gắn bó với nghệ thuật, đôi lúc đồng lương ít ỏi cũng tạo nên nhiều trở ngại trong cuộc sống, buộc chị phải kinh doanh, buôn bán thêm bên ngoài, nhưng chưa bao giờ gánh nặng cơm áo làm chị xao nhãng và vơi đi đam mê.

Nghệ nhân Trâm Anh tâm sự: "Dù như thế nào, niềm đam mê ca hát vẫn không lúc nào nguôi. Đối với sân khấu, đối với nghệ thuật sẽ không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện rời bỏ, mặc dù chỉ hoạt động văn nghệ trong phạm vi của huyện".

Tính chị là vậy, ánh đèn sân khấu trong bất cứ chương trình dù lớn hay nhỏ đều có sức hấp dẫn người nghệ nhân đến lạ. Khi bước lên sân khấu chị gác lại hết những bộn bề của cuộc sống thường ngày, ở đó người ta thấy chị là một con người khác, gửi trọn lòng mình qua từng bài ca, nét diễn.

Nhiều năm liền là tổ trưởng tổ văn nghệ của trung tâm văn hoá, Nghệ nhân Trâm Anh không chỉ miệt mài biểu diễn mà còn trực tiếp đứng ra dàn dựng, chỉ đạo nhiều chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện, ngày lễ trong toàn huyện.

Song song với công việc được giao, chị còn là thành viên của Câu lạc bộ Thể nghiệm đờn ca tài tử tỉnh từ những ngày đầu thành lập (tính đến nay đã ngót 20 năm). Tại đây, giọng ca của Nghệ nhân Trâm Anh tiếp tục có dịp được trau chuốt bởi danh cầm Trường Giang. Từng cách nhấn nhá, kỹ thuật ca ngâm được các bậc thầy đi trước trui rèn thường xuyên, chính vì thế mà giọng hát của chị ngày càng điêu luyện hơn. Sở hữu giọng ca sáng cộng với bộ nhịp vững chắc, Trâm Anh thể hiện rất tốt hầu hết các bài bản tài tử. Tuy nhiên, chị được giới chuyên môn đánh giá cao khi thể hiện thể điệu Liên Nam, với cách ca mang tính đột phá khó có thể tìm được ở những nghệ nhân khác tính đến thời điểm hiện tại.

Từng tham gia và liên tiếp đoạt rất nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong những hội thi, hội diễn, liên hoan đờn ca tài tử không chỉ cấp huyện, tỉnh mà còn cả cấp khu vực và toàn quốc. Mỗi tấm bằng khen, mỗi huy chương đoạt được sau cuộc thi đều được chị trân trọng gìn giữ bằng tất cả niềm tự hào, bởi đối với chị, đó là tâm huyết, là say mê và cả một tình yêu đối với nghệ thuật đờn ca tài tử.

Tuy không trực tiếp mở lớp cổ nhạc để truyền dạy, song đến nay, Nghệ nhân Trâm Anh có rất nhiều học trò được chị dạy theo kiểu "truyền nghề".

"Trực tiếp theo sát các em, hướng dẫn từng cách luyến láy câu chữ để rồi khi các em đoạt giải cao trong các cuộc thi lớn như liên hoan đờn ca tài tử hay giọng ca cải lương giải Bông Tràm... có thể tự tin bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và thành danh. Đối với tôi, đó là những thành quả ngọt ngào mà tôi tâm đắc nhất...", Trâm Anh khoe với giọng đầy phấn khởi.

"Chị có điều gì muốn gửi gắm?", tôi hỏi. Chị nhẹ nhàng: "Niềm mong mỏi thì lúc nào cũng thường trực trong lòng những người làm nghệ thuật như chúng tôi, đó là hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, cơ quan, ban, ngành để cùng chung tay bảo tồn loại hình đờn ca tài tử ngày một phát triển. Đặc biệt là đối với những nghệ nhân đã cống hiến cả cuộc đời cho loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc của cha ông để lại"./.

Trần Phúc

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).